Thất nghiệp là một trong những cú sốc lớn nhất đối với người lao động, đặc biệt là những ai đã dành cả chục năm gắn bó với một công việc ổn định. Tâm lý hoang mang, lo lắng về thu nhập, gánh nặng chi tiêu và tương lai phía trước khiến nhiều người rơi vào trạng thái khủng hoảng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất cụ thể để bảo vệ người lao động trong giai đoạn khó khăn này.
Luật Việc làm năm 2013 và các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp chính là "tấm đệm" giúp người lao động duy trì cuộc sống và có thời gian tìm kiếm việc làm mới. Dưới đây là câu chuyện thực tế của tôi – một người từng rơi vào hoàn cảnh nghỉ việc sau 20 năm công tác, nhưng nhờ chính sách bảo hiểm thất nghiệp mà có thể tạm gác nỗi lo cơm áo gạo tiền trong thời gian chuyển tiếp.

Sau khi nghỉ việc, tôi cũng có những lo lắng về "cơm áo gạo tiền" cho cả gia đình 5 người. Lúc ấy, nhân viên phòng nhân sự hướng: "Anh có thể làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp (BHTN). Mỗi tháng cũng được vài triệu, như là cứu cánh tạm thời vậy".
Tôi như được "khai sáng". Bao nhiêu năm đi làm, công ty đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho tôi đầy đủ. Thật lòng, tôi chưa từng quan tâm mình có quyền lợi gì khi nghỉ việc. Giờ thì tôi cần phải tìm hiểu.

Cánh cửa hy vọng mang tên "bảo hiểm thất nghiệp"
Theo quy định tại Luật Việc làm 2013, người lao động có hợp đồng làm việc và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi nghỉ việc, nếu nghỉ đúng luật và chưa có việc làm mới, thì sẽ đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp.
Tôi kiểm tra lại, thấy công ty đã đóng BH thất nghiệp cho tôi liên tục từ năm 2009. Như vậy, tôi có 15 năm tham gia BHTN – đủ điều kiện.
Sau khi hoàn tất thủ tục nghỉ việc, tôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm của thành phố để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm:
- CMND/CCCD (bản photo và bản chính để đối chiếu)
- Sổ BHXH
- Quyết định nghỉ việc
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu)
Thời gian giải quyết hồ sơ mất khoảng 15 ngày.
Số tiền trợ cấp thất nghiệp cụ thể tôi nhận được là bao nhiêu?
Theo khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động năm 2025, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Trong 6 tháng cuối trước khi nghỉ việc, mức lương trung bình đóng bảo hiểm của tôi là 12.000.000 đồng/tháng.
Vậy mức trợ cấp thất nghiệp tôi được hưởng mỗi tháng là: 12.000.000 x 60% = 7.200.000 đồng/tháng.
Theo quy định, với 15 năm tham gia BHTN, tôi sẽ được hưởng tối đa là 12 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Tức là, tôi sẽ được nhận 7.200.000 đồng/tháng x 12 tháng = 86.400.000 đồng, chia làm các đợt hàng tháng.
Với khoản tiền này, tôi có thể trang trải phần nào chi tiêu sinh hoạt hàng tháng và yên tâm hơn khi tìm công việc mới.

Ảnh minh họa: TTXVN
Có phải ai nghỉ việc cũng được lấy trợ cấp thất nghiệp không?
Câu trả lời là KHÔNG. Theo Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau, điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm như sau:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
- Đã đóng BHTN đầy đủ:
12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: Hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn.
12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: Ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
- Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN.
Ngoài ra, trong thời gian nhận trợ cấp, tôi còn được:
- Được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
- Hỗ trợ giới thiệu việc làm từ trung tâm việc làm
- Có thể tham gia các khóa học nghề miễn phí
Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi muốn chia sẻ một vài điều để nếu bạn cũng nghỉ việc như tôi thì thì không cần quá lo lắng và biết cách để nhận đủ số tiền trợ cấp thất nghiệp. Đó là:
1. Nộp hồ sơ trong vòng 3 tháng kể từ ngày nghỉ việc. Nếu trễ, bạn sẽ mất quyền lợi nhận trợ cấp.
2. Khai báo việc làm hàng tháng. Mỗi tháng, bạn cần đến trung tâm dịch vụ việc làm xác nhận vẫn chưa có việc, nếu không, trợ cấp sẽ bị dừng.
3. Không tham gia công việc nào có ký hợp đồng lao động. Nếu có việc làm mới (dù thử việc có hợp đồng), bạn phải thông báo để dừng trợ cấp, nếu không sẽ bị xử lý truy thu.
Ngoài ra, hãy chuẩn bị tâm lý sớm tìm việc. Trợ cấp thất nghiệp chỉ là cứu cánh tạm thời, đừng quá ỷ lại!
Nếu bạn cũng đang trong giai đoạn thất nghiệp, đừng ngại tìm hiểu quyền lợi của mình. Bảo hiểm thất nghiệp không phải là "của để dành", mà là những gì bạn xứng đáng nhận được sau những năm tháng đã đóng góp. Hãy sử dụng nó khi cần!