Ông Hoàng Nam Tiến: Người làm sếp nếu không đủ tư duy về AI thì đừng bắt nhân viên làm

Thế giới đã thật sự phẳng, người không chịu học sẽ bị bỏ lại rất xa.

Dạo này, cứ lướt MXH là thấy người ta nói AI. Mỗi người một thứ cảm xúc. Trong số đó, sếp Hoàng Nam Tiến cũng có những góc nhìn chia sẻ sắc sảo, đôi khi là thẳng thắn khiến người trẻ phải khựng lại như: “Học sinh dùng AI giải bài tập, tương lai làm nô lệ của AI”, "Chỉ những người không biết sử dụng AI mới bị cướp việc", “Sự phát triển của AI tương lai tạo ra ‘tầng lớp vô dụng’”.

Trăm nghe không bằng 1 thấy, ngay tại đây, chúng ta sẽ được gặp gỡ với sếp Hoàng Nam Tiến - người có hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực công nghệ, trải qua nhiều vai trò lãnh đạo và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học FPT. Ông cũng là tác giả cuốn sách “Ứng dụng AI vào doanh nghiệp”, cung cấp kiến thức tổng quan về AI và tư duy lãnh đạo trong thời đại số và có những góc nhìn thú vị về AI trong học tập, cuộc việc thu hút giới trẻ thời gian qua.

“Làm sao để biến AI thành “con sen” của mỗi người và tìm ra những giá trị cốt lõi riêng - thứ mà công nghệ không bao giờ học được?”, đứng trước đề tài này, ông Hoàng Nam Tiến đã có những quan điểm đáng chú ý!

Sếp không hiểu biết về AI sẽ bị nhân viên qua mặt, cười thầm vì… quá lỗi thời

AI khiến các công việc thay đổi rất nhanh. Là người làm quản lý từ trẻ và sớm trở thành một nhà lãnh đạo với kinh nghiệm điều hành từ vài nhân viên đến hàng chục nghìn nhân viên, anh sẽ đánh giá năng lực ứng viên thế nào khi kỹ năng cũ “hết hạn” quá sớm?

Trong kỷ nguyên số hôm nay và làn sóng AI, chúng ta cần phải biết rằng rất nhiều kỹ năng, năng lực của các bạn Gen Z phải khác biệt so với nhiều thế hệ đi trước. Các bạn phải biết cách làm sao để làm chủ AI, biến tất cả những ứng dụng AI trở thành “con sen” của mình, biết cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm người bạn đồng hành chứ không phải sợ bị AI “cướp” mất công việc.

Có rất nhiều kỹ năng, năng lực mà các bạn cần có như tư duy độc lập, năng lực phản biện, làm chủ AI, kỹ năng làm việc với dữ liệu lớn… Và để không trở thành người lỗi lạc - tức là người lỗi thời và lạc hậu, các bạn cần phải học thêm cũng như thay đổi mỗi ngày.

Điều đó có đồng nghĩa nhà tuyển dụng ngày nay quan tâm nhiều hơn đến tư duy thích nghi và khả năng học nhanh, hơn là kiến thức chuyên môn?

Thực tế trước khi muốn học gì, các bạn đều cần phải có nền tảng vững chắc.

Càng trong thế giới AI như hiện tại, nền tảng kiến thức chuyên môn càng quan trọng. Bạn phải rất giỏi về marketing, rất giỏi về tài chính, nhân sự,... kết hợp với việc học thêm các kỹ năng, đặc biệt là làm chủ AI thì mới trở thành nhân sự không bị đào thải và tiếp tục phát triển trong giai đoạn này. Tôi vẫn luôn muốn nhấn mạnh, AI không làm chủ chúng ta mà chúng ta phải làm chủ AI, để AI đồng hành với mình.

Vậy với anh, “kỹ năng con người” nào quan trọng nhất trong bối cảnh AI đang chiếm ưu thế ở phần kỹ thuật?

Khả năng tự học và học tập suốt đời là yếu tố căn bản để đảm bảo các bạn phát triển bền vững và liên tục trong cuộc đời của mình. Ngày nay, có rất nhiều kiến thức các bạn học dù chưa ra trường nhưng đã trở nên lạc hậu do đó việc tự học và không ngừng học tập là điều quan trọng nhất để có thể đi đường dài.

Ông Hoàng Nam Tiến: Người làm sếp nếu không đủ tư duy về AI thì đừng bắt nhân viên làm- Ảnh 1.

Từng quản lý một đội ngũ kỹ sư hàng đầu, anh nhìn thấy AI đang thay đổi cấu trúc tổ chức như thế nào?

Gần đây, Sundar Pichai - CEO của Google chia sẻ rằng gần 50% dòng lệnh tại Google là do AI viết; Tổng giám đốc của Microsoft - Satya Nadella trong bài chia sẻ gần đây mô tả rằng trong 3 năm tới, 90% công việc lập trình viên thì AI hoàn toàn có thể thay thế.

Ngay bây giờ, 90% công việc của các bạn làm tester (kiểm thử) về ứng dụng phần mềm dần bị AI thay thế và trong tương lai có thể bị thay thế toàn bộ. Chúng ta đang đứng trước một thách thức vô cùng lớn, chưa bao giờ những người làm phần mềm lại cần ý thức được AI có thể làm được những gì trong tương lai. Trong quá trình phát triển phần mềm, lập trình thì tester là một trong số những khâu quan trọng, tốn nhiều thời gian. Nhưng nếu có người đồng hành AI hỗ trợ, chúng ta có thể dành thời để nghiên cứu, khảo sát, tìm ra những thuật toán tối ưu, giải pháp,... Đặc biệt là tìm hiểu rất kỹ về chuyên môn để làm sao cho ứng dụng trở nên mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn và chất lượng hơn. Tức là, AI đang giúp chúng ta làm việc tốt hơn và năng suất hơn.

Có vị trí nào trong doanh nghiệp mà anh tin là AI không nên thay thế, dù có thể?

Trong một buổi gặp mặt với hàng nghìn sinh viên vừa qua, tôi đặt ra câu hỏi: “Nghề gì mà AI không thể thay thế?”.

Một bạn nhận được giải thưởng từ tôi trả lời đơn giản rằng: “Nghề lập trình AI ạ”.

Tôi muốn đưa ra một khái niệm gọi là “AI Barrier”, tức là rào cản về năng lực hiểu và sử dụng AI mà mỗi nhân sự phải vượt qua. Nếu như các bạn vượt qua được, sẽ thuộc vào nhóm 35% những người được trọng dụng, trả lương rất cao. Còn nếu không, rất có thể các bạn sẽ thuộc nhóm 65% những người bị AI thay thế.

“Lãnh đạo thời AI” cần thay đổi điều gì trong tư duy: ra quyết định, truyền cảm hứng, hay quản trị cảm xúc?

Một trong những điều quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo hiện nay là phải thay đổi tư duy. Rất nhiều nhà lãnh đạo vẫn đang coi AI là ChatGPT thì thật sai lầm.

Tiếp theo đó là tầm nhìn về việc phát triển cùng AI và làm thế nào để AI đồng hành cùng sự nghiệp cá nhân cũng như hoạt động trong doanh nghiệp của mình.

Tôi muốn nói, nhà lãnh đạo phải có tầm nhìn rằng ít nhất trong 3 năm tới, AI, robot làm được những gì, chúng ta hãy dành cho nó làm việc ấy, để mình tập trung làm những việc mà AI không thể thay thế. Hơn nữa, cần có tư duy “AI First”. Nghĩa là khi bắt đầu làm một việc gì, chúng ta cần tự hỏi AI có thể làm được việc này hay không, nếu có hãy giao cho AI làm.

Càng nhiều AI, nhà lãnh đạo càng phải duy trì trí tuệ cảm xúc, phát huy năng lực sáng tạo và phải luôn tìm kiếm được những con người phù hợp.

Ngoài ra, cách nhà lãnh đạo cũng cần tự mình trải nghiệm và sử dụng AI trong công việc hàng ngày để nhân viên thực sự nhìn thấy sự hữu ích, không phải chỉ “hô hào suông”. Sau đó, đưa AI vào tiêu chuẩn làm việc, trở thành thói quen công việc của cả tổ chức. Và chắc chắn, phải đảm bảo nguồn lực, tạo điều kiện để nhân sự có thể học AI, tiếp cận với những điều mới.

Ông Hoàng Nam Tiến: Người làm sếp nếu không đủ tư duy về AI thì đừng bắt nhân viên làm- Ảnh 2.

Ông Hoàng Nam Tiến: Người làm sếp nếu không đủ tư duy về AI thì đừng bắt nhân viên làm- Ảnh 3.
Ông Hoàng Nam Tiến: Người làm sếp nếu không đủ tư duy về AI thì đừng bắt nhân viên làm- Ảnh 4.

Với những bạn trẻ mới ra trường, đang trong quá trình hoàn thiện kỹ năng khi bước vào môi trường làm việc nhưng AI lại có thể làm tốt hơn họ thì ngoài sự thích ứng, tinh thần cần thiết để các bạn trẻ có thể đi tiếp là gì?

Hãy tự học hoặc đi học các khóa học về AI để xây dựng cho bản thân một “trợ lý số” phục vụ cho riêng mình. Sau khi đó, chúng ta sẽ nhận thấy có nhiều việc mình không nên làm mà cứ giao cho trợ lý AI xử lý. Điều này có thể thay thế khoảng từ 20% - 50% trong công việc.

Tuy nhiên đừng nghĩ như vậy là mình mất việc bởi AI. Mà ngược lại, chúng ta có thêm thời gian để tập trung vào những việc AI không làm được. Thậm chí, chúng ta còn có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn.

Theo quan sát cá nhân của anh, các nhân sự khi có AI trợ giúp, thái độ làm việc của họ thay đổi ra sao?

Nếu như người sếp không ý thức, không hiểu biết về AI thì sẽ bị nhân viên qua mặt. Có những công việc trước đây nếu tự làm có thể mấy hàng tiếng đồng hồ nhưng hiện tại nhờ sự trợ giúp của AI chỉ mất vài phút. Và nếu người sếp không nắm được những điều như vậy thì nhân viên sẽ “cười thầm” vì sếp của mình đang quá lỗi thời, còn họ thì có thêm nhiều thời gian rảnh rỗi.

Vậy phải làm thế nào để trở thành những nhân viên chân chính trong kỷ nguyên AI?

AI có thể hỗ trợ các nhân sự có những suy nghĩ rất lành mạnh rằng tiền lương không phải là tất cả. Vì vậy, họ sẽ chủ động học AI để làm việc 10 triệu nhưng hiệu suất sẽ như những người làm việc lương 30 triệu, 40 triệu. Và sếp của họ sẽ đánh giá được điều này, trọng dụng những người như vậy.

Ông Hoàng Nam Tiến: Người làm sếp nếu không đủ tư duy về AI thì đừng bắt nhân viên làm- Ảnh 5.

Thế giới đã thật sự phẳng, người không chịu học sẽ bị bỏ lại rất xa

Theo anh, vai trò của “người thầy” trong thời đại AI là gì?

Người thầy ngày hôm nay tất nhiên phải thay đổi. Chúng ta hình dung nếu vẫn giảng bài, giao bài tập như cũ thì trò có thể dùng AI để học, thầy lại dùng AI để chấm điểm. Như vậy nghĩa là “AI thầy” đang chấm “AI trò”. Như vậy, chúng ta phải thay đổi hoàn cách dạy và các học.

Chúng ta phải thay đổi cách đưa ra bài tập để làm sao học sinh, sinh viên vẫn dùng AI nhưng vẫn phải thảo luận, tranh luận, tự tìm ra những hướng đi hay câu trả lời thú vị. Tức là AI không thể thay thế được việc học và việc dạy.

Trong môi trường học tập mới, điều gì đang quan trọng hơn: tốc độ tiếp thu, khả năng tư duy phản biện, hay thái độ làm chủ thông tin?

Việc học tập ngày nay đã thay đổi. Trước đây, chúng ta chủ yếu học tập 1 chiều, thầy cô giảng bài, học trò nghe, tiếp thu và ghi chép. Nhưng thời ấy qua rồi, ngày hôm nay, chúng ta học tập 5 chiều: Học từ những người thầy tài năng; Học từ những người xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp; Học từ những người trẻ hơn; Học thêm từ AI và cuối cùng, quan trọng nhất là tự học.

Khi AI có thể trả lời mọi câu hỏi - điều gì khiến một đứa trẻ vẫn cần phải tự học?

Bạn có bao giờ tập chạy? Nếu như mỗi ngày bạn không chạy đều đặn, tôi không tin bạn có thể chạy được nhiều km. Não của chúng ta cũng vậy, nếu như chúng ta lười biếng đến mức cái gì cũng hỏi ChatGPT thì đến lúc nào đó, các bạn cũng sẽ không tự suy nghĩ được mà phụ thuộc vào nó.

Đó là lý do chúng ta cần phải tự học mỗi ngày, cần có tư duy độc lập, phản biện. Các bạn hãy nhớ rằng, ChatGPT có tỷ lệ “ảo giác” rất cao. Cụ thể, ChatGPT sẽ đưa ra những thông tin sai lệch, thậm chí bịa đặt. Vậy mà các bạn lại coi chúng như một chân lý mới thay cho Wikipedia hay Google. Chúng ta cần thay đổi tư duy này bằng việc học mỗi ngày, biết làm chủ nhiều nền tảng AI.

Ông Hoàng Nam Tiến: Người làm sếp nếu không đủ tư duy về AI thì đừng bắt nhân viên làm- Ảnh 6.

Nếu phải thiết kế lại hệ thống trường học cho một thế giới có AI là bạn đồng hành từ tuổi lên 5 - anh sẽ thay đổi điều gì đầu tiên?

Tôi nhấn mạnh đến vai trò của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm và người thầy trở thành những người đồng hành. Người thầy sẽ đảm nhận vai trò kết nối, giúp học trò của mình có thể kết nối với thế giới, xã hội, với nhà trường, gia đình và cũng kết nối với chính bản thân.

Tại FPT, chúng tôi đã triển khai việc đưa AI vào chương trình học của tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Chính các thầy cô cũng phải tham gia vào việc học và làm chủ các công cụ AI để hướng dẫn và đồng hành cùng học trò.

Trong quá trình đi giảng dạy, anh đã áp dụng AI như thế nào vào trong các bài giảng của mình?

Tôi đã chia sẻ với các doanh nghiệp rằng khi xây dựng bài giảng, tôi đã sử dụng 4 “nhân viên số” của mình. Một nhân viên số chuyên để thu thập dữ liệu, một nhân viên chuyên số chuyên để tổng hợp và phân tích, một nhân viên số để xây dựng bài giảng và nhân viên số thứ 4 là đánh giá, kiểm tra lại toàn bộ nội dung. Sau đó sẽ báo cáo cho trợ lý chính của tôi cũng là một nhân viên số để hoàn thiện bài giảng.

Ông Hoàng Nam Tiến: Người làm sếp nếu không đủ tư duy về AI thì đừng bắt nhân viên làm- Ảnh 7.

Là một người viết, anh có nghĩ một nhà văn không viết - chỉ “gợi ý để AI viết” - có còn là nhà văn không?

Khi mà bạn cầm một cuốn sách, lật giở từng trang, đọc và hiểu từng dòng chữ mà người viết muốn chia sẻ - thì đó chính là sự khác biệt của con người và AI. Con người chúng ta luôn có sự tò mò về thế giới, tự nhiên xã hội, tò mò cả về chính mình. Chúng ta vượt trội hơn trí tuệ nhân tạo vì chúng ta luôn sáng tạo và đặc biệt là giữ được trí tuệ cảm xúc. Điều này thì AI chưa bao giờ làm được và không bao giờ làm được.

Tư duy phản biện, góc nhìn cá nhân, lối hành văn riêng có phải là thứ AI học được?

AI dễ dàng học được toàn bộ những điều này và có thể cho những sản phẩm “na ná” như vậy. Nhưng như tôi đã nói, AI không biết tò mò như con người, không biết sáng tạo và cũng không biết chia sẻ cảm xúc.

Nếu phải dạy lại “kỹ năng sống” trong kỷ nguyên AI, anh sẽ nhấn mạnh điều gì?

Đó là trải nghiệm để trưởng thành. Các bạn hãy tắt điện thoại đi, bớt xem TikTok và bớt overthinking (suy nghĩ quá mức). Hãy hành động và thay đổi chính bản thân mình bằng những trải nghiệm để chúng ta lớn lên, trưởng thành và phát triển.

Ông Hoàng Nam Tiến: Người làm sếp nếu không đủ tư duy về AI thì đừng bắt nhân viên làm- Ảnh 8.

Anh nghĩ con người nên sống nhanh hơn để không bị bỏ lại hay chậm lại để không bỏ quên những giá trị cốt lõi, trong thời đại công nghệ phát triển với tốc độ phi mã?

Chúng ta sẽ học rất nhanh, sẽ có nhiều trải nghiệm mới và chúng ta sẽ sống chậm lại. Hãy biết trân trọng những giờ phút bên gia đình, người thân, bạn bè vả cả những người đồng nghiệp, người sếp. Khi ấy, các bạn sẽ cảm nhận được nhiều hơn giá trị cuộc sống. Tôi cũng muốn nói rằng, AI - trí tuệ nhân tạo chưa bao giờ lấy đi cuộc sống của chúng ta nên mình đừng lệ thuộc vào điều đó. Và tôi cũng muốn nhắc lại thêm rằng con người phải làm chủ là vì vậy.

Anh nghĩ điều gì khiến một người trung niên như mình vẫn thấy hứng thú, muốn học cái mới mỗi ngày?

Chúng tôi luôn chia sẻ với nhau rằng chúng ta không thể để bản thân trở thành những người "lỗi lạc" - lỗi thời và lạc hậu. Vì thế chúng ta cần tự học và tự phát triển mỗi ngày. Bởi ngoài việc là những nhà lãnh đạo, họ còn là những người bố, người mẹ, chúng ta không thể học thay cho con mình nhưng có thể làm gương cho con mình bằng việc tự học và học tập suốt đời.

Theo anh, AI sẽ khiến thế giới phân tầng rõ ràng hơn, hay sẽ giúp thu hẹp khoảng cách?

AI là một cơ hội rất lớn cho tất cả. Nhờ AI mà một chàng trai ở Ấn Độ, một cậu bé ở châu Phi hay một cô gái ở miền Tây Nam Bộ đều có cơ hội được học những kiến thức mới nhất, hiện đại nhất trên thế giới. Thậm chí được học từ những giáo sư nổi tiếng trên thế giới, điều mà xưa nay chúng ta không làm được.

Thế giới ngày hôm nay đã thực sự phẳng, cơ hội đến với tất cả những người trẻ dù là từ nước đang phát triển, nước giàu. Tất nhiên, chúng ta cũng cần ý thức rằng AI sẽ tạo ra sự thay đổi bởi vì những người bây giờ không học sẽ bị bỏ lại rất xa, không như trước đây.

Ông Hoàng Nam Tiến: Người làm sếp nếu không đủ tư duy về AI thì đừng bắt nhân viên làm- Ảnh 9.

Ông Hoàng Nam Tiến: Người làm sếp nếu không đủ tư duy về AI thì đừng bắt nhân viên làm- Ảnh 10.

Cuối cùng, người trẻ ngày nay, họ chọn tâm sự những điều thầm kín với ChatGPT thay vì chia sẻ với gia đình, bạn bè xung quanh, anh nhận định thế nào về điều này?

Tôi nghĩ điều này rất nên bởi vì ai trong số chúng ta cũng có những điều không thể nói được với những người thân nhất, tin tưởng nhất. Kể cả những góc tối trong tâm trí, những mặt trái thì tôi cũng khuyên các bạn, AI cũng có thể là sự lựa chọn, bởi để tìm ra một người đủ tâm huyết, tin cậy và kín đáo để bày tỏ những điều ấy không dễ. Tuy nhiên, tôi cũng muốn các bạn hãy dành ra thời gian xứng đáng để tìm đến những người mà chúng ta có thể trò chuyện sâu sắc. Một trong số đó là bố mẹ của mình, những người luôn yêu thương chúng ta vô điều kiện.

Cảm ơn anh về những chia sẻ! 

Trúc Hà/ Ảnh: An Đông/ Clip: Here To Hear/ Thiết kế: Trường Dương