Là mẹ của một bé trai 5,5 tuổi, chị Trương Dư Ngọc Trâm (TP.HCM) cũng trải qua nhiều giai đoạn phát triển đầy phức tạp của con. Bà mẹ này vừa đồng hành, vừa quan sát, để kịp thời làm gương và uốn nắn những gì cảm thấy chưa phù hợp. Với sự giáo dục đó, bé Tin - con trai chị ngày càng hiểu chuyện, thông minh.
Chị Trâm chia sẻ, có một khoảng thời gian Tin hay làm hại những động vật nhỏ như đập kiến, rết, bắt chuồn chuồn. Nhận thấy đây là hành động có mầm mống bạo lực, bà mẹ đã ngay lập tức có sự điêu chỉnh về cách dạy con.
Lúc Tin còn nhỏ, mỗi lần đưa con đi chợ, chị thường rất cẩn thận không để con đứng nhìn cảnh đập đầu cá, mổ ếch, làm lươn....
Chị thường nói với con rằng: "Mình chỉ mua những con đã chết về ăn, hạn chế sát sinh". Ở nhà, anh chị cũng làm gương. Nhưng đối với sự tò mò của trẻ con vậy vẫn là chưa đủ.
Một hai lần đầu thấy con tỏ ra hứng thú với việc chọc phá động vật nhỏ, chị Trâm nhắc nhở nhưng cảm thấy không hiệu quả nên bày ra chiêu mới. Mỗi lần nấu cơm dư, chị gom lại vào chén và cứ chiều con đi học về, chị lại rủ con mang ra ngoài cho chuột, kiến, gián ăn.
Nhân lúc đó chị thường tán gẫu về những bạn động vật. Sáng ra lại rủ Tin ra xem cơm đã được ăn hết chưa. Thế là Tin không còn hứng thú chơi trò bạo lực với động vật nữa. Tin về nhắc bà ngoại gián đang ngủ chưa chết đâu ngoại đừng đạp nó. Bác Ba phạt chó Tin cũng đến can.
Nhiều người thắc mắc, vậy nếu kiến, chuột phá nhà thì sao? Chị Trâm cho rằng, kiến đa phần vẫn có thể sống chung được, chuột thì chồng chị vây bắt sống rồi mang đi thả ra bãi đất trống. Nói chung gia đình chưa gặp vấn để gì quá nan giải.
Theo chị Trâm, dạy con về tình thương là cái khó nhất. Vì tình thường chân thật đòi hỏi sự thấu cảm và có thể khiến bản thân chịu thiệt thòi. Nên tình thương không thể dạy bằng lời nói mà cần thể hiện qua hành động. Cùng một việc nhưng có người cảm thấy khó chấp nhận trong khi có người lại thấy bình thường. Chủ yếu là do người nào đã trải qua việc đó nhiều lần. Lần 1 thấy sốc, lần 2 thấy chấp nhận được, lần 3 liền thấy không có vấn đề.
Cách đơn giản để giáo dục lòng nhân từ cho trẻ là dạy chúng biết yêu thương động vật
Nhiều nghiên cứu thể hiện trẻ em có thiên hướng yêu thích động vật, đặc biệt là chó con, mèo con. Song không phải đứa trẻ nào cũng như vậy. Trên thực tế, đã có không ít chuyện trẻ em hành hung chó mèo. Hành động tiêu cực này có thể không xuất phát từ sự cố ý, nhưng hậu quả sâu xa thật sự quá khó lường.
Một đứa trẻ có hành vi tàn bạo, có liên quan mật thiết đến cách giáo dục của gia đình và môi trường xung quanh. Nuôi dưỡng cho trẻ em lòng yêu thương và bao dung, cách đơn giản nhất là dạy chúng cách yêu thương động vật.
1. Cho trẻ nuôi cá vàng, gà con hay chó con, hãy dạy cho chúng cách quan sát nhiều hơn, bao gồm cách chơi đùa và cho thú cưng ăn.
2. Tập cho trẻ cách bầu bạn. Yêu thương là sự lâu dài, chứ không phải "sáng nắng chiều mưa", hứng lên thì nằng nặc đòi mẹ mua chó con về nuôi, mất hứng thì không màng quan tâm. Nếu trẻ thật sự thích nuôi thú cưng, trước khi mua về, hãy nói với trẻ rằng chúng phải hứa sẽ bầu bạn và chăm sóc, không thể như một cơn gió, chơi vài ngày rồi chán, không bao giờ tiếp xúc nữa.
3. Dẫn con đến sở thú nhiều hơn. Động vật nuôi ở nhà dù sao cũng có giới hạn, nếu có điều kiện, hãy đưa con trẻ đến sở thú để tìm hiểu thêm về động vật càng sớm càng tốt, để chúng biết cách trân quý và yêu thương.
4. Trẻ em có thể làm tổn thương thú cưng trong lúc chơi đùa. Với tình huống này, bố mẹ không nên la mắng hay tác động vật lý, vì trẻ sẽ không thể hiểu được sai lầm của mình, ngược lại càng trút giận bằng sự bạo lực. Bố mẹ nên kiên nhẫn hơn trong việc làm công tác tư tưởng cho con cái, để chúng biết cách làm bạn với động vật.