Phụ huynh thấy buồn: Nhiều ngành nghề vui vẻ nhận hoa, nhận quà vào ngày kỷ niệm, mà sao nghề giáo lại khổ thế!

Tặng hoa, quà chúc mừng giáo viên nhân ngày đặc biệt đâu phải là điều gì "ghê gớm"?

- Bài viết thể hiện quan điểm của một phụ huynh có con đang độ tuổi đi học nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới:

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vốn là dịp để xã hội bày tỏ lòng biết ơn đối với các thầy cô giáo, những người đã và đang tận tâm, cống hiến cho sự nghiệp "trồng người". Tuy nhiên, những ngày gần đây, tôi nhận được thông báo từ ngôi trường con đang học, về việc xin phép không nhận bất kỳ hoa, quà chúc mừng nào từ phía phụ huynh.

Điều này khiến tôi, cùng khá nhiều phụ huynh trong lớp cảm thấy buồn, hụt hẫng và lấy làm suy ngẫm. Từ khi nào mà việc tặng hoa, quà để tri ân giáo viên trong ngày đặc biệt này lại trở nên nhạy cảm đến thế? Từ khi nào mà việc tri ân đẹp đẽ, ý nghĩa lại trở thành một nỗi ngại ngùng, khiến giáo viên phải đề phòng để không bị mang tiếng?

Phụ huynh thấy buồn: Nhiều ngành nghề vui vẻ nhận hoa, nhận quà vào ngày kỷ niệm, mà sao nghề giáo lại khổ thế!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tặng hoa, quà chúc mừng giáo viên nhân ngày đặc biệt đâu phải là điều gì "ghê gớm"?

Tôi cho rằng, việc tặng hoa, quà cho giáo viên vào ngày 20/11 không chỉ là hành động tri ân, mà còn là một nét đẹp văn hóa đã tồn tại từ lâu trong truyền thống Việt Nam. Bó hoa tươi thắm hay món quà nhỏ không mang ý nghĩa vật chất mà chứa đựng sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc của phụ huynh và học sinh dành cho những người thầy, người cô. Điều này không phải là điều gì "quá ghê gớm", mà ngược lại, nó thể hiện một giá trị nhân văn tốt đẹp.

Đáng tiếc, xã hội hiện nay lại đang có xu hướng đánh đồng sự tri ân chân thành với những hành vi tiêu cực như biếu xén vì vụ lợi. Đây là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng, vô tình làm cho các giáo viên cảm thấy e dè, thậm chí sợ hãi trước những hành động vốn dĩ rất trong sáng.

Rất nhiều ngành nghề ở Việt Nam có ngày kỷ niệm, nhưng sao mỗi ngành giáo dục lại phải dè chứng, "khốn khổ" như vậy mỗi khi đến dịp vinh danh những đóng góp của ngành? Thử hỏi, nếu một bác sĩ, một cán bộ hay bất kỳ ai khác được nhận hoa, nhận quà vào ngày kỷ niệm của ngành mình mà không phải chịu áp lực, thì tại sao giáo viên lại phải mang tâm trạng "ngại ngùng" như vậy?

Tại sao những ngành khác thoải mái, vui vẻ nhận hoa, quà chúc mừng vào dịp đặc biệt của ngành mình, mà riêng ngành giáo dục lại phải tuyên bố không nhận quà?

Tôi nghĩ rằng, sự e dè của giáo viên hiện nay không phải đến từ bản thân họ, mà phần lớn xuất phát từ áp lực xã hội và những định kiến tiêu cực. Trong vài năm gần đây, một số trường hợp lạm dụng dịp lễ 20/11 để biếu quà mang tính chất "đối phó" hoặc "lấy lòng", mong con em mình được thiên vị. Hoặc một số trường hợp có những giáo viên "vòi quà" phụ huynh.

Những trường hợp này đã bị phanh phui trên mạng xã hội. Dù chỉ là số ít, nhưng nó đã làm lu mờ đi ý nghĩa tốt đẹp của việc tặng quà ngày Nhà giáo. Kết quả là, để tránh bị hiểu lầm hoặc gây phiền phức, nhiều giáo viên chọn cách từ chối nhận quà, nhận hoa, thậm chí tuyên bố "không nhận bất cứ gì" trong ngày này.

Nhưng điều này có thực sự cần thiết? Liệu việc tri ân – một hành động xuất phát từ tấm lòng chân thành của học sinh, phụ huynh có đáng bị bóp méo đến mức giáo viên phải cảm thấy sợ hãi hay ngượng ngùng khi nhận một bó hoa từ học trò, một món quà nhỏ từ phụ huynh?

Đừng cấm tri ân, mà hãy khuyến khích tri ân đúng cách!

Nhìn giáo viên e ngại, tôi lại thấy buồn. Cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi rất tâm huyết với học trò. Tôi luôn mong đến ngày 20/11 để tặng cô một bó hoa bày tỏ lòng biết ơn. Một số phụ huynh khác thì muốn tặng cô thuốc bổ mắt. Đây đều là xuất phát từ tấm lòng của chúng tôi đối với người đã dạy dỗ con em mình.

Nhưng với thông báo không nhận hoa, quà, tôi hụt hẫng vì không thể bày tỏ lòng biết ơn của mình. Tôi nghĩ rằng, việc cấm đoán, hạn chế quá mức các hoạt động tri ân đang vô tình khiến nghề giáo trở nên khác biệt so với những nghề khác.

Thay vì hạn chế hoặc cấm đoán, tôi nghĩ cần thay đổi cách nhìn nhận về việc tặng quà, tặng hoa trong ngày Nhà giáo Việt Nam thì hơn. Những quy định quá khắt khe chỉ vô tình làm phai nhạt ý nghĩa tốt đẹp của ngày lễ này.

Thay vì cấm tri ân, hãy khuyến khích tri ân đúng cách. Hãy khuyến khích sự giản dị và chân thành. Những món quà nhỏ hoặc bó hoa tươi thắm từ học sinh hay phụ huynh hoàn toàn không phải là điều gì sai trái. Nhà trường nên tạo không gian để những hành động tri ân như vậy diễn ra một cách tự nhiên, giản dị và đúng mực.

Thay vì tập trung vào giá trị vật chất, hãy hướng đến giá trị tinh thần. Phụ huynh và học sinh có thể bày tỏ lòng biết ơn qua những bức thư tay, những tấm thiệp tự làm, hoặc các hoạt động ý nghĩa như biểu diễn văn nghệ hay tổ chức lễ kỷ niệm.

Bên cạnh đó, hãy để các thầy cô được thoải mái đón nhận những món quà tri ân từ học trò và phụ huynh mà không phải lo ngại về những ánh mắt dò xét hay định kiến tiêu cực, để thầy cô cảm nhận được tình cảm ấm áp, sự biết ơn từ những người mà mình đang dạy dỗ, bởi đó là cũng là động lực lớn để họ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Thanh Hương