Trên chiếc áo thun trắng UTme! Gắn Kết Việt - Nhật năm ngoái, hình ảnh đặc trưng của hai nền văn hóa Á Đông hòa quyện tinh tế: món Cao lầu đặt cạnh mì Udon, thiếu nữ trong trang phục Áo dài sánh cùng Kimono, hay chú mèo may mắn Maneki-neko len lỏi trên đường phố Việt Nam. Đến Việt Nam cùng UNIQLO 5 năm qua, hơi thở địa phương được UTme! nắm bắt qua bộ sưu tập này là ví dụ.
Với cửa hàng đầu tiên khai trương vào tháng 12/2019 trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM), thời gian hiện diện của công ty Nhật Bản này tương đối non trẻ so với nhiều nhãn thời trang trong và ngoài nước khác. Tuy nhiên, dấu ấn họ để lại không nhỏ. Khảo sát của dịch vụ nghiên cứu thị trường Q&Me năm 2024 cho biết Uniqlo là thương hiệu thời trang được yêu thích nhất tại Việt Nam, với 49% người được hỏi bày tỏ thiện cảm.
Nhìn vào hoạt động mà thương hiệu triển khai thời gian qua, không khó để lý giải chỗ đứng này. Hơn cả sự đồng điệu văn hóa trên các họa tiết áo thun UTme!, UNIQLO có hàng loạt điểm chạm tạo nên sự gắn bó và tin yêu giữa khách hàng và thương hiệu.
Đầu tiên, xét cốt lõi là sản phẩm. Người tiêu dùng ngày càng kỷ luật trong mua sắm kể từ sau đại dịch do ý thức về tiết kiệm và sống bền vững. Do đó, họ có xu hướng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thiết thực, thoải mái, phù hợp với lối sống hàng ngày và điều kiện thời tiết. Thấu hiểu sâu sắc từng nhu cầu đó, UNIQLO nhanh chóng trở thành những sản phẩm "quốc dân", thông qua dòng sản phẩm Life Wear.
Các sản phẩm như áo thun AIRism, HEATTECH, và áo chống nắng đã trở thành những món đồ "nhất định phải có" trong tủ đồ của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt với những người yêu thích phong cách tối giản. Theo khảo sát của Nielsen IQ, đồng loạt 98% khách hàng chọn mặc sản phẩm chống nắng Uniqlo khi trời nắng nóng, đánh giá cao áo giữ nhiệt HEATTECH và tin tưởng chọn trang phục trẻ em - đồ sơ sinh của thương hiệu.
Không chỉ thấu hiểu, để tăng cơ hội kết nối, UNIQLO liên tục gia tăng hiện diện 5 năm qua để trang phục Life Wear ngày càng gần hơn với khách hàng. Giữa làn sóng bùng nổ mua sắm trực tuyến, khi nhiều thương hiệu thận trọng trong việc mở rộng chuỗi cửa hàng vật lý, UNIQLO lại ngược dòng. Ngay cả trong thời kỳ Covid-19 và hậu đại dịch, khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, UNIQLO vẫn mở thêm cửa hàng, tiến đến các thị trường mới như Hải Phòng và Bình Dương.
Chia sẻ về điều này, ông Nishida Hideki, Tổng Giám đốc UNIQLO Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi không đặt nặng về tốc độ phát triển cửa hàng mà chủ yếu dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng. Với phương châm 'Made for All' - sản xuất sản phẩm cho mọi đối tượng, chúng tôi muốn mang trang phục LifeWear của Uniqlo đến nhiều vùng miền hơn. Chúng tôi cũng tự tin đáp ứng được nhu cầu của thị trường và tiếp tục phát triển tốt ở Việt Nam, bằng cách luôn luôn lắng nghe người tiêu dùng."
Hình ảnh các cửa hàng luôn đông khách đã minh chứng cho sức hấp dẫn không hề suy giảm của thương hiệu. Đến nay, UNIQLO có 26 cửa hàng tại 4 tỉnh, thành và chuẩn bị đặt chân đến Đồng Nai, Huế. Song song đó, cửa hàng trực tuyến UNIQLO.com vận hành từ 2021, giúp thương hiệu tận dụng tối đa lợi thế bổ trợ hai kênh offline lẫn online. Đây cũng là chiến lược mà tập đoàn mẹ Fast Retailing theo đuổi để đảm bảo tăng trưởng bền vững, thể hiện qua lợi nhuận kỷ lục trong năm tài chính gần đây.
Ngoài ra, nỗ lực địa phương hóa của UNIQLO còn nằm ở sản phẩm và quy trình kinh doanh. Đến nay, hơn 60% các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng UNIQLO Việt Nam đều sản xuất tại Việt Nam. Điều này không chỉ góp phần phát triển kinh tế nội địa mà còn khiến người tiêu dùng tự hào khi các sản phẩm "Made in Vietnam" được phân phối đến hơn 2.500 cửa hàng trên toàn cầu.
Song song đó, UNIQLO đồng hành cùng sự phát triển bền vững cùng xã hội Việt Nam, từ phát triển nguồn nhân lực đến hoạt động cộng đồng. Hiện 74% các vị trí cửa hàng trưởng và quản lý khu vực là người Việt. Công ty còn trao các học bổng cho các tài năng trẻ và là nhà bán lẻ tiên phong tuyển dụng người khuyết tật làm việc tại cửa hàng.
Không dừng lại ở đó, các sáng kiến bền vững của UNIQLO được kết hợp khéo léo với các dự án hỗ trợ thiết thực. Bộ sưu tập UTme! Gắn Kết Việt - Nhật không chỉ tôn vinh văn hóa song phương mà toàn bộ doanh thu còn được đóng góp xây dựng điểm trường mới tại Mù Cang Chải. Đó là chưa kể chương trình Hỗ trợ nước sạch cho trường học hay quyên góp quần áo cũ từ chương trình RE.UNIQLO.
Theo hãng dữ liệu trực tuyến Statista (Đức), quy mô thị trường thời trang Việt Nam năm nay ước đạt 2,82 tỷ USD và sẽ tăng trưởng trung bình 10,94% trong giai đoạn đến 2029. Thời điểm đó, quy mô thị trường có thể đạt 4,74 tỷ USD, chi tiêu bình dân đầu người 220 USD một năm cho mua sắm quần áo.
Thị trường đầy tiềm năng nhưng thương hiệu nào sẽ tiếp tục phát triển sẽ là bài toán cạnh tranh không đơn giản khi các tiêu chí về chất lượng, bền vững, thiết thực và cá nhân hoá - địa phương hóa ngày càng cao.
Dựa trên thành công đã đạt được, cơ hội còn rộng mở cho UNIQLO nếu tiếp tục tăng phủ sóng toàn diện, chú trọng vào sáng tạo sản phẩm, cải tiến thiết kế và giữ vững cam kết với cộng đồng. Ông Nishida Hideki cũng đã bày tỏ tầm nhìn này.
"UNIQLO sẽ không ngừng mở rộng hệ thống cửa hàng, tạo thêm nhiều việc làm và mang thời trang LifeWear đến gần hơn với người tiêu dùng. Đồng thời, chúng tôi mong muốn thắt chặt quan hệ với các đối tác sản xuất, tăng tỷ lệ hàng nội địa và phát triển các sản phẩm chất lượng cao, bền vững, đóng góp tích cực cho cộng đồng, đối tác và nền kinh tế", ông chia sẻ.