Trẻ 4 tháng tuổi bị Covid-19 khiến cha mẹ hoang mang mất ăn mất ngủ: Chăm sóc thế nào mới nhanh khỏi?

Thanh Ngân, lần đầu làm mẹ hoảng hốt: "Con mình mới 4 tháng tuổi, đêm qua tự nhiên sốt nhẹ, nghẹt mũi, sáng ra test thì 2 vạch đỏ chót"...

Thời tiết giao mùa, dịch Covid-19 lại có dấu hiệu quay trở lại với những ca mắc mới tăng lên từng ngày. Đáng chú ý, nhiều trường hợp là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé dưới 6 tháng tuổi - độ tuổi còn quá non nớt để tự chống chọi với bệnh. Điều này khiến không ít bậc cha mẹ hoang mang, lo lắng tột độ vì không biết nên chăm con thế nào cho đúng.

Con 4 tháng tuổi mắc Covid-19, mẹ trẻ hoang mang lên mạng cầu cứu khắp nơi

Thanh Ngân (28 tuổi, TP.HCM) chia sẻ trong một nhóm nuôi con nhỏ: "Con mình mới 4 tháng tuổi, đêm qua tự nhiên sốt nhẹ, nghẹt mũi, sáng ra test thì 2 vạch đỏ chót. Mình hoảng quá, gọi điện bác sĩ thì bảo theo dõi tại nhà nhưng thật sự không biết phải làm sao. Bé còn quá nhỏ, bú ít, ngủ chập chờn mà mình thì rối như tơ vò".

Trẻ 4 tháng tuổi bị Covid-19 khiến cha mẹ hoang mang mất ăn mất ngủ: Chăm sóc thế nào mới nhanh khỏi?- Ảnh 1.

Trường hợp của Ngân không phải là hiếm. Rất nhiều bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi đang cầu cứu cộng đồng mạng, bác sĩ online và các nhóm mẹ bỉm sữa vì hoang mang không biết chăm con thế nào khi bé mắc Covid-19.

Mẹ đơn thân chăm con 5 tháng tuổi nhiễm bệnh: "Không hoảng mới lạ!"

Còn Hà An (25 tuổi, Hải Phòng) thì nghẹn giọng kể lại: "Em là mẹ đơn thân, bé nhà em mới 5 tháng tuổi, đùng một cái bị sốt 38,5 độ. Sau khi test Covid-19 thì phát hiện bé dương tính. Em gần như suy sụp, lo lắng vì con còn quá nhỏ. Vừa chăm con, vừa theo dõi từng hơi thở, nhịp bú mà cứ lo nó diễn tiến nặng. Mấy đêm nay em dường như thức trắng vì sợ bỏ lỡ triệu chứng nào nguy hiểm".

Rõ ràng, Covid-19 ở trẻ dưới 6 tháng tuổi là bài toán đầy áp lực với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Nhưng đừng quá hoảng loạn. Theo các chuyên gia, phần lớn trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhiễm Covid-19 đều có triệu chứng nhẹ, có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà nếu được hướng dẫn đúng cách.

Chăm sóc trẻ dưới 6 tháng tuổi bị Covid-19 thế nào để nhanh khỏi?

PGS.TS Trần Minh Điển (Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) chia sẻ, trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ là nhóm tuổi chưa biết nói nên rất khó nhận biết triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, cha mẹ có thể dựa vào cảm nhận của mình. Nếu bé sốt cao, bú kém, ngủ li bì, mệt mỏi… thì đó có thể là dấu hiệu bệnh đang nặng lên.

Trẻ 4 tháng tuổi bị Covid-19 khiến cha mẹ hoang mang mất ăn mất ngủ: Chăm sóc thế nào mới nhanh khỏi?- Ảnh 2.

Thực tế, phần lớn trẻ dưới 6 tháng mắc Covid-19 đều có biểu hiện nhẹ. Cha mẹ hoàn toàn có thể chăm sóc bé tại nhà nếu biết cách theo dõi và xử trí đúng.

1. Cách đánh giá và xử trí khi trẻ bị sốt

- Dùng nhiệt kế đo nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn.

- Nếu bé sốt trên 38,5°C, có thể dùng paracetamol (liều 10–15mg/kg). Uống hoặc đặt hậu môn, mỗi 4–6 giờ dùng lại nếu cần.

- Sau 1-2 giờ uống thuốc, nếu nhiệt độ giảm còn khoảng 38-38,5°C là bé đã đáp ứng tốt. Không nhất thiết phải hạ ngay xuống 37°C.

2. Bổ sung nước - yếu tố không thể bỏ qua

- Cho trẻ uống nước lọc hoặc nước điện giải.

- Pha đúng liều theo hướng dẫn trên bao bì (gói 250ml hoặc 1 lít).

- Cho uống từ từ, từng thìa nhỏ, cách nhau 15-20 phút để tránh nôn trớ.

- Nếu nước tiểu trong và nhiều hơn, bé đã bù nước tốt.

Trẻ 4 tháng tuổi bị Covid-19 khiến cha mẹ hoang mang mất ăn mất ngủ: Chăm sóc thế nào mới nhanh khỏi?- Ảnh 3.

3. Ăn uống thế nào khi bé mắc Covid-19?

- Không ép ăn quá nhiều một lúc, nên chia nhỏ thành nhiều bữa.

- Trẻ sơ sinh vẫn nên tiếp tục bú mẹ. Nếu bé bú yếu, hãy tăng số lần bú, giảm lượng mỗi lần.

- Luôn theo dõi lượng bú, giấc ngủ và thái độ của bé cả ngày lẫn đêm.

4. Vệ sinh mũi họng

- Dùng nước muối sinh lý để lau rửa mũi cho bé mỗi ngày.

- Giữ mũi họng thông thoáng sẽ giúp bé dễ thở, dễ bú và ngủ ngon hơn.

5. Cách ly bé khỏi người khác trong nhà

- Nếu có thể, bố trí phòng riêng cho bé.

- Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.

- Tránh để bé tiếp xúc với người cao tuổi, đặc biệt là người chưa tiêm vắc-xin.

- Phòng của bé cần thông thoáng, sạch sẽ, đồ dùng nên được sát khuẩn thường xuyên.

- Cho bé mặc đồ thoải mái, tạo không khí vui vẻ, nhẹ nhàng khi chăm sóc cách ly tại nhà.

- Có thể cho bé vận động nhẹ để tăng cường sức đề kháng.

6. Không tự ý dùng thuốc mà luôn theo dõi sát sao

- Cha mẹ cần theo dõi liên tục, đặc biệt là trong 48 giờ đầu.

- Nếu trẻ có biểu hiện bất thường như: Sốt cao liên tục, khó thở, bỏ bú hoàn toàn, tím tái, nôn nhiều, tiêu chảy, lơ mơ… cần đưa đi khám ngay.

Trẻ 4 tháng tuổi bị Covid-19 khiến cha mẹ hoang mang mất ăn mất ngủ: Chăm sóc thế nào mới nhanh khỏi?- Ảnh 4.

7. Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Bé cần được đưa đi cấp cứu nếu:

- Sốt kéo dài không hạ.

- Co giật.

- Thở rút lõm ngực.

- Mệt lả, khó đánh thức.

- Có dấu hiệu mất nước nặng.

8. Trẻ có bệnh nền cần được theo dõi kỹ hơn

Với những bé bị Covid-19 có bệnh lý nền như sinh non, nhẹ cân, bệnh phổi mạn, hen, ung thư, bệnh tim, thận, thần kinh, huyết học, suy giảm miễn dịch… thì cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi sát. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà nếu không có chỉ định.

Chăm sóc trẻ dưới 6 tháng tuổi mắc Covid-19 không quá khó nếu cha mẹ nắm được kiến thức cơ bản. Bình tĩnh, theo dõi sát, cho bé nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng đầy đủ và biết khi nào cần đi bệnh viện sẽ giúp bé vượt qua bệnh một cách an toàn.

(Ảnh minh họa: Internet)

Tuấn Khang