Trẻ không khóc khi đi mẫu giáo: Hóa ra cha mẹ đã âm thầm làm 5 điều này

Không phải em bé nào cũng nước mắt ngắn dài ngày đầu đến lớp. Có những bạn nhỏ tự tin bước vào lớp, vui vẻ chào bố mẹ và nhanh chóng làm quen môi trường mới. Điều gì tạo nên sự khác biệt đó? Câu trả lời không nằm ở “tính cách bẩm sinh” mà ở cách cha mẹ chuẩn bị từ sớm.

1. Tập cho con tự lập từ sớm - nền tảng của sự tự tin

Trẻ em biết tự xúc ăn, tự thay quần áo, tự mang dép... thường là những em bé ít bỡ ngỡ và có thể hòa nhập nhanh hơn khi đi học. Thay vì làm thay tất cả, cha mẹ nên đồng hành để con làm những việc nhỏ phù hợp với độ tuổi.

Câu nói quen thuộc “Thôi để mẹ làm cho nhanh” nghe thì tiện, nhưng lại là cách vô tình tước đi cơ hội để con học sự chủ động. Một đứa trẻ được rèn kỹ năng tự phục vụ sẽ dễ có cảm giác “mình làm được” từ đó thêm tự tin trong môi trường mới.

Gợi ý nhỏ:

- Cho con tự xúc ăn, dù ban đầu còn vụng về.

- Tập cho con tự dọn đồ chơi, tự mang balo.

- Hãy động viên mỗi khi con cố gắng: “Con tự thay đồ được rồi nè, siêu ghê!”

2. Cha mẹ giữ cảm xúc ổn định, con sẽ cảm thấy an toàn

Một trong những lý do khiến trẻ khóc nức nở là vì cảm nhận được sự lo lắng của bố mẹ. Cha mẹ càng căng thẳng, ánh mắt càng đượm buồn, lời tạm biệt càng dùng dằng… thì trẻ càng khó dứt ra để bước vào lớp.

Trẻ không khóc khi đi mẫu giáo: Hóa ra cha mẹ đã âm thầm làm 5 điều này- Ảnh 1.

Trẻ em biết tự xúc ăn, tự thay quần áo, tự mang dép... thường là những em bé ít bỡ ngỡ và có thể hòa nhập nhanh hơn khi đi học. (Ảnh minh họa)

Ngược lại, nếu người lớn nói lời tạm biệt với nụ cười nhẹ nhàng, giọng điệu chắc chắn thì trẻ sẽ cảm nhận được sự an tâm. Khi cha mẹ vững vàng, con mới đủ tin rằng “mọi chuyện đều ổn”.

Gợi ý nhỏ:

- Trước ngày đi học đầu tiên, cha mẹ nên tập lời chào tạm biệt cùng con.

- Không nên dọa nạt kiểu: “Không ngoan là cô không cho ăn đâu!”

- Hạn chế ánh mắt quyến luyến khiến con thêm lo lắng.

3. Tập cho con quen với việc “xa nhau một chút”

“Cảm giác an toàn” không có nghĩa là cha mẹ phải kè kè bên con 24/24. Ngay từ khi con còn nhỏ, có thể bắt đầu rèn cho con quen với sự tách biệt ngắn: mẹ ra ngoài 10 phút, con ở với ông bà; hay chơi trò ú òa con đếm đến 10 thì mẹ hiện ra từ sau rèm.

Những lần “xa nhau” nhỏ như thế giúp trẻ hiểu rằng: đi không có nghĩa là mất, tạm xa rồi cũng sẽ gặp lại. Khi ấy, buổi học đầu tiên sẽ không còn là cú sốc lớn nữa.

Gợi ý nhỏ:

- Hãy nói “Mẹ ra ngoài lát nhé, rồi mẹ sẽ về” thay vì lặng lẽ biến mất.

- Chơi trốn tìm, cho con trải nghiệm “chờ đợi” tích cực.

- Gửi con cho người thân một khoảng ngắn để tập thích nghi.

4. Giới thiệu trước với con về trường mẫu giáo

Trẻ sợ hãi thường vì những điều quá mới. Vậy nên, nếu cha mẹ “bật mí” trước về trường lớp, bạn bè, cô giáo… con sẽ bớt lo và dễ dàng đón nhận.

Có thể cho con đến trường trước vài lần để chơi làm quen, kể chuyện về lớp học, xem ảnh trường, những bước nhỏ giúp con chuẩn bị tinh thần tốt hơn.

Gợi ý nhỏ:

- Đưa con đến trường thăm lớp trước vài hôm.

- Dùng đồ chơi để mô phỏng giờ học ở lớp.

- Cùng con sắp xếp balo, dán tên lên cốc, khăn để tạo cảm giác háo hức.

5. Giữ cho gia đình không khí vui vẻ, hòa thuận

Không khí trong gia đình là “hệ sinh thái cảm xúc” đầu tiên của trẻ. Những em bé được sống trong ngôi nhà yên ấm, nơi cha mẹ ít tranh cãi, giao tiếp tích cực sẽ có khả năng điều chỉnh cảm xúc tốt hơn.

Vì khi đối mặt với thay đổi như đi học mẫu giáo, trẻ sẽ vận dụng cách ứng xử mà mình đã học được ở nhà. Nếu cha mẹ luôn nhẹ nhàng và bình tĩnh, trẻ cũng sẽ bắt chước điều đó.

Trẻ không khóc khi đi mẫu giáo: Hóa ra cha mẹ đã âm thầm làm 5 điều này- Ảnh 2.

Không khí trong gia đình là “hệ sinh thái cảm xúc” đầu tiên của trẻ.

Gợi ý nhỏ:

- Tránh cãi vã trước mặt con.

- Giao tiếp với con bằng ngôn ngữ tích cực, ví dụ: “Mẹ biết con lo lắng, nhưng mẹ tin con sẽ làm được.”

- Dạy con cách nói ra cảm xúc thay vì khóc lóc hoặc giận dỗi.

Lời kết

Một đứa trẻ không khóc khi đi mẫu giáo không phải là “giỏi hơn” hay “dạn dĩ hơn”, mà đơn giản chỉ là đã được chuẩn bị tốt hơn bằng sự thấu hiểu, kiên nhẫn và đồng hành đúng cách từ cha mẹ.

Việc con có rơi nước mắt ngày đầu đến lớp hay không không quyết định hành trình học tập của con sau này, nhưng lại phản ánh rất rõ cách cha mẹ đã gieo nền tảng cảm xúc cho con từ thuở nhỏ.

Cha mẹ không thể đi cùng con suốt cuộc đời, nhưng có thể đồng hành trong những bước đầu tiên bằng việc dạy con tự lập, giúp con quen với việc xa cách ngắn hạn, tạo cảm giác an toàn bằng những lời hứa giữ đúng, bằng không khí gia đình ấm áp, bình ổn.

Và rồi một ngày, bạn sẽ thấy con quay lại nhìn mình thật nhanh trước khi chạy vào lớp không phải vì con sợ hãi, mà vì con biết chắc rằng: người thương con luôn ở đó, hờ con tan học để cùng nhau về nhà.

Minh Linh