Tại một buổi tọa đàm về vô sinh hiếm muộn do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức, nhiều cặp vợ chồng đã chia sẻ hành trình nhiều năm tìm kiếm con. Trong số đó, câu chuyện của anh H.V.Q. (26 tuổi, quê ở Phù Yên, Sơn La), công nhân tại Bắc Ninh, gây xúc động mạnh mẽ.
Sau 6 năm kết hôn mà vẫn chưa có con, anh Q. đi khám và được chẩn đoán không có tinh trùng - do biến chứng hậu quai bị. Khi nghe bác sĩ thông báo chỉ còn hai lựa chọn: Xin mẫu tinh trùng từ ngân hàng hoặc thực hiện phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn (micro TESE) để tìm kiếm tinh trùng, anh cảm thấy tuyệt vọng.
Để giữ lại một phần huyết thống gia đình, anh đã nhờ anh trai hiến mẫu, dự định sẽ đổi mẫu ngẫu nhiên từ ngân hàng. Tuy nhiên, trong ca vi phẫu tinh hoàn, các bác sĩ bất ngờ phát hiện một số tinh trùng còn sót lại trong mô tinh hoàn của chính anh. Nhờ đó, vợ chồng anh đã có thể thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và đón con thành công.
Một trường hợp khác là anh Đ.C.P (34 tuổi) và chị N.T.T (33 tuổi), trú tại Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Kết hôn từ năm 2016, gần một thập kỷ trôi qua, họ vẫn chưa có con. Thuộc hộ gia đình thuần nông, cuộc sống của vợ chồng gắn bó với ruộng đồng. Điều kiện kinh tế eo hẹp khiến hành trình tìm con của họ càng gian nan.

Vợ chồng chị T chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Sau nhiều lần thăm khám, anh P. được chẩn đoán tinh trùng yếu. Vợ chồng gom góp tiền bạc, vay mượn khắp nơi để thực hiện IVF tại một trung tâm gần nhà, nhưng ca chuyển phôi không thành công. Dù đang chật vật trả nợ, hai vợ chồng vẫn giữ hy vọng. Lo ngại tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng thành công, vợ chồng chị đã ra Hà Nội để tiếp tục hành trình điều trị.
Và rồi, năm 2025, một tia hy vọng xuất hiện, nhờ người quen giới thiệu, anh chị biết đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Đúng dịp Tuần Lễ Vàng 2025, như một phép màu, chị T được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ xin xét duyệt hỗ trợ IVF miễn phí. Cuối cùng, giấc mơ đã đến gần hơn bao giờ hết khi vợ chồng chị nhận tin chính thức trở thành 1 trong 10 gia đình được hỗ trợ toàn bộ chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Gần 10 năm đi qua với biết bao nước mắt và hy vọng, hành trình ấy cuối cùng cũng thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Mong rằng một ngày không xa, tiếng khóc chào đời của em bé sẽ vang lên trong ngôi nhà nhỏ của anh chị.
Theo bác sĩ Phạm Văn Hưởng (Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội), trước đây, nam giới không có tinh trùng gần như không còn cơ hội làm cha. Nhưng với sự phát triển của kỹ thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro TESE), những trường hợp vô tinh không do tắc nghẽn, như teo tinh hoàn sau quai bị, hội chứng Klinefelter, tinh hoàn ẩn hoặc rối loạn sinh tinh vẫn có cơ hội làm cha bằng chính tinh trùng của mình.
Micro TESE sử dụng kính hiển vi phóng đại để tìm kiếm các ống sinh tinh hoạt động còn sót lại trong tinh hoàn. Đây được xem là bước tiến lớn trong điều trị vô sinh nam.
Cũng tại chương trình, 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% đã được trao cho các cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn - như một phần tiếp thêm cơ hội hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ.