Luận bàn

Siêu thị, chợ "thất thủ" trước bão - Tích trữ nhu yếu phẩm sao cho đúng?

Thứ hai, ngày 21/07/2025 10:24 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Bão số 3 Wipha đổ bộ khiến người người, nhà nhà tất bật gom nhu yếu phẩm.

Theo dự báo thời tiết, bão số 3 Wipha đang có hướng di chuyển phức tạp và khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến một số tỉnh, thành nước ta trong vài ngày tới. Trước tình hình này, nhiều người dân đã đổ xô đi siêu thị, chợ để mua thực phẩm, nhu yếu phẩm tích trữ. Không ít nơi ghi nhận khung cảnh đông đúc tấp nập, hàng hóa bán sạch chỉ trong vài giờ. 

Siêu thị, chợ "thất thủ" trước bão - Tích trữ nhu yếu phẩm sao cho đúng?- Ảnh 1.
Siêu thị, chợ "thất thủ" trước bão - Tích trữ nhu yếu phẩm sao cho đúng?- Ảnh 2.
Siêu thị, chợ "thất thủ" trước bão - Tích trữ nhu yếu phẩm sao cho đúng?- Ảnh 3.

Tuy nhiên, giữa "tâm bão" mua sắm, câu hỏi đặt ra là: nên tích trữ thế nào để vừa đủ dùng, tránh lãng phí mà vẫn đảm bảo an toàn và tiện lợi? Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn chuẩn bị và ứng phó hiệu quả hơn trong những ngày mưa bão.

Tích trữ thông minh: mua vừa đủ, tránh lãng phí

Việc chuẩn bị thực phẩm, nước uống và đồ dùng cần thiết trước bão là hoàn toàn hợp lý, nhất là trong tình huống mưa lớn, mất điện hay gián đoạn vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều người vì tâm lý lo xa đã mua quá nhiều, dẫn đến tình trạng đồ ăn hỏng chưa kịp dùng tới, gây lãng phí không cần thiết. Thay vì tích trữ ồ ạt, bạn nên tính toán lượng tiêu thụ trong 3-5 ngày, ưu tiên mua những món thiết yếu, dễ bảo quản và phù hợp với nhu cầu thực tế của gia đình.

Siêu thị, chợ "thất thủ" trước bão - Tích trữ nhu yếu phẩm sao cho đúng?- Ảnh 4.

Những món nên có trong danh sách "trú bão"

Ngoài thực phẩm, một số món đồ dùng sau rất nên có trong nhà nếu bạn muốn chuẩn bị kỹ cho mùa mưa bão:

- Nước uống đóng chai: nên chuẩn bị đủ cho từng thành viên trong khoảng 3 ngày (mỗi người 1.5-2 lít/ngày).

- Pin, đèn pin, nến: đề phòng mất điện kéo dài.

- Sạc dự phòng, bộ sạc năng lượng mặt trời: đảm bảo điện thoại, thiết bị liên lạc luôn có pin.

- Bếp gas mini, cồn khô: phòng khi điện bị cắt, có thể nấu ăn tạm thời.

- Giấy vệ sinh, khăn giấy, túi rác, khẩu trang, thuốc men cơ bản: những thứ nhỏ nhưng cần thiết.

Về thực phẩm, bạn có thể ưu tiên các món khô và ăn liền như mì gói, lương khô, cháo gói, đồ hộp (cá, thịt, đậu), bánh mì sandwich, sữa tiệt trùng… Những món này không cần bảo quản lạnh và dễ sử dụng trong mọi tình huống.

Siêu thị, chợ "thất thủ" trước bão - Tích trữ nhu yếu phẩm sao cho đúng?- Ảnh 5.

Cách bảo quản đúng để thực phẩm không bị hỏng

1. Thịt cá tươi

Nếu muốn tích trữ thực phẩm tươi sống, hãy sơ chế sẵn và chia nhỏ thành từng phần trước khi cấp đông. Trường hợp lo mất điện, bạn nên ưu tiên nấu chín trước (luộc, xào sơ...), để nguội rồi bảo quản trong ngăn đá. Cách này giúp kéo dài hạn dùng hơn so với để sống.

2. Rau xanh 

Rau lá như cải, rau muống, rau dền... nên được rửa sạch, để thật ráo nước, bọc bằng giấy khô rồi cất trong túi zip hoặc hộp kín. Một số loại rau củ như bí đỏ, khoai tây, cà rốt, hành tây, tỏi... thì có thể để ở nơi khô ráo, tránh ẩm mốc, không cần tủ lạnh mà vẫn tươi lâu.

3. Trái cây 

Những loại quả như táo, cam, chuối xanh, xoài sống... có thể để được vài ngày ngoài tủ lạnh. Nếu chuối chín nhanh, bạn có thể dùng màng bọc quấn phần cuống để làm chậm quá trình chín. Ưu tiên dùng trước các loại trái cây đã chín mềm, có thể ép nước, làm sinh tố hoặc đông lạnh để dùng dần.

4. Nếu mất điện, giữ tủ lạnh luôn đóng kín

Khi bị cúp điện, hạn chế mở tủ lạnh để giữ nhiệt độ bên trong được lâu hơn. Ngăn đá có thể giữ thực phẩm an toàn trong 24-48 giờ nếu không bị mở ra thường xuyên. Bạn cũng có thể chuẩn bị sẵn đá khô hoặc túi giữ nhiệt để hỗ trợ bảo quản trong tình huống khẩn cấp.

Siêu thị, chợ "thất thủ" trước bão - Tích trữ nhu yếu phẩm sao cho đúng?- Ảnh 6.

Tích trữ nhu yếu phẩm là việc cần thiết nhưng nên làm một cách có tính toán, không chạy theo tâm lý đám đông. Mua đúng - đủ, biết cách bảo quản và ưu tiên những món thực sự hữu dụng sẽ giúp bạn và gia đình vượt qua những ngày mưa bão một cách nhẹ nhàng, an toàn và không lãng phí.

Tổng hợp

Chia sẻ

PV

Ý kiến của bạn