Sức khỏe

4 bí quyết cực đơn giản nhưng có tác dụng “đẩy lùi” lão hóa, kéo dài tuổi thọ được khoa học chứng minh

Thứ hai, ngày 24/07/2023 16:43 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Theo các chuyên gia, thói quen trong cuộc sống hàng ngày có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta.

Các chuyên gia đều thống nhất rằng một số thói quen lành mạnh có thể giúp chúng ta duy trì sự khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ ngay cả khi về già. Dưới đây là 4 thói quen được nghiên cứu chứng minh có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe và tuổi thọ, nên thực hiện càng sớm càng tốt.

1. Tập thể dục tốt cho cơ thể và não bộ

Duy trì hoạt động thể chất có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai hơn. Ngoài ra, các hoạt động thể chất cũng liên quan chặt chẽ đến việc cải thiện sức khỏe tinh thần và chức năng não bộ.

Tiến sĩ Kirk Erickson, giám đốc khoa học thần kinh tại AdventHealth Central Florida, Mỹ cho biết hoạt động thể chất là một trong những cách tốt nhất để giữ cho não bộ khỏe mạnh trong suốt vòng đời của nó.

Nghiên cứu của Erickson cho thấy khi chúng ta già đi, bộ não sẽ co lại, đặc biệt là vùng hồi hải mã chịu trách nhiệm về khả năng ghi nhớ. Tập thể dục có thể giúp duy trì kích thước của vùng não này. Do đó, chuyên gia Erickson khuyến khích mọi người nên xây dựng và duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên và thực hiện càng sớm càng tốt.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát, đánh giá và nhận thấy những người tập thể dục thường xuyên có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 22%, ngay cả khi họ tập ít hơn thời gian tập được khuyến nghị là 150 phút mỗi tuần. Ngoài ra, những người hoạt động thể chất 150 phút/tuần theo các khuyến nghị có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 28%.

Chuyên gia khuyến nghị mọi người nên tập thể dục với cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ khoảng 30 phút/ngày và duy trì với tần suất 5 ngày/tuần.

Ngoài đi bộ, tiến sĩ Gary Small, chủ tịch khoa tâm thần học tại Hackensack Meridian Health cũng khuyến khích mọi người nên tập thêm các bài tập rèn luyện sức mạnh cũng có thể giúp chống lại tình trạng mất cơ do tuổi tác và có thể kéo dài tuổi thọ.

Duy trì hoạt động thể chất có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai hơn ngay cả khi về già.

2. Chú trọng sức khỏe tinh thần

Tiến sĩ Small cũng khuyên bạn nên thực hiện thêm các hoạt động giúp rèn luyện sức khỏe tinh thần và não bộ chẳng hạn như đọc sách, giải đố ô chữ, chơi game,... Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng một hành động đơn giản như đọc các bài báo trực tuyến và tìm kiếm các chủ đề trên Google cũng giúp kích thích não bộ và giúp não bộ nhạy bén hơn.

Ngoài thực hiện các hoạt động giải trí, việc giải tỏa căng thẳng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cho sức khỏe tinh thần. Tiến sĩ Small cho biết chỉ cần 10 phút ngồi thiền mỗi ngày có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng, cải thiện tâm trạng và sự nhanh nhạy trong nhận thức, tái tạo lại bộ não và tăng cường sức khỏe của các dây thần kinh.

3. Xây dựng mối quan hệ xã hội tốt đẹp

Sự cô đơn có tác động tiêu cực đến sức khỏe. Một nghiên cứu đã tiến hành so sánh giữa việc thiếu kết nối xã hội với việc hút thuốc lá. Theo đó, sự cô đơn có thể gây ảnh hưởng sức khỏe tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Các nghiên cứu khác cho thấy tăng các kết nối xã hội có thể làm giảm nguy cơ tử vong sớm và giúp chúng ta lão hóa khỏe mạnh.

Nghiên cứu từ Đại học Harvard đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa hạnh phúc và các mối quan hệ xã hội. Tiến sĩ Waldinger, Đại học Harvard cho biết: “Kết nối cá nhân tạo ra sự kích thích về mặt tinh thần và cảm xúc. Trong khi đó, sự cô lập là tác nhân gây ra tâm trạng thất vọng”.

Việc kết nối với cộng đồng và các mối quan hệ tốt đẹp đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực, giúp cuộc sống hạnh phúc hơn, từ đó góp phần kéo dài tuổi thọ.

Việc kết nối với cộng đồng và các mối quan hệ tốt đẹp đóng vai trò quan trọng giúp cuộc sống hạnh phúc hơn, từ đó góp phần kéo dài tuổi thọ.

4. Duy trì giấc ngủ lành mạnh

Tiến sĩ Jamie Zeitzer, chuyên gia cố vấn và nhà phê bình khoa học tại Rise Science, cho biết thực tế chúng ta thường dễ gặp phải các vấn đề về giấc ngủ khi tuổi tác gia tăng.

Tiến sĩ Jamie nói: “Thông thường, mọi người sẽ thức dậy, làm việc trong 16 tiếng và ngủ 8 tiếng. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với âm thanh và nhiệt độ khi già đi. Điều này có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của người cao tuổi, ví dụ như dễ bị thức giấc vì những âm thanh nhỏ hoặc trằn trọc, khó ngủ hơn nếu nhiệt độ phòng có biến đổi nhẹ”.

Tiến sĩ Jamie cho biết thêm, những người lớn tuổi có thể gặp các vấn đề giấc ngủ như ngủ không đủ giấc hoặc ngủ không sâu giấc. Chất lượng giấc ngủ kém kéo dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như trầm cảm, bệnh Alzheimer và ung thư.

Một số nghiên cứu khác cũng đã báo cáo rằng thói quen ngủ đều đặn (đi ngủ và thức dậy đúng khung giờ mỗi ngày) có liên quan đến tuổi thọ.

Thời gian ngủ dường như cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều có hại cho cơ thể. Cụ thể, những người ngủ ít hơn 5-7 tiếng mỗi đêm có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 12%.

Những người thường xuyên thiếu ngủ, ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm có nguy cơ cao mắc các vấn đề tim mạch, nội tiết, miễn dịch và thần kinh. Ngủ quá ít cũng có thể thúc đẩy chứng viêm và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và béo phì. Tất cả những điều này khiến tuổi thọ bị rút ngắn.

Chia sẻ

Mộc Miên

Ý kiến của bạn