Xã hội

Thêm nhiều hàng hóa, dịch vụ được miễn VAT từ tháng 7: Đối tượng, ngành nghề nào được hưởng lợi?

Thứ tư, ngày 02/07/2025 15:57 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Việc mở rộng nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT (VAT) được đánh giá là một chính sách nhân văn, bám sát đời sống, góp phần giảm chi phí tiêu dùng, thúc đẩy phục hồi sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội.

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, Nghị định 181/2025/NĐ‑CP do Chính phủ ban hành đã chi tiết hóa Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng, quy định rõ các đối tượng không chịu VAT, bổ sung cơ sở pháp lý chắc chắn cho việc áp dụng ưu đãi thuế.

Việc xác định 14 nhóm đối tượng miễn thuế không chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh mà còn thể hiện định hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp, giáo dục, công nghệ, văn hóa và các lĩnh vực an sinh xã hội.

Theo các chuyên gia, Nghị định mới là bước tiến quan trọng trong cải cách chính sách thuế, tăng cường minh bạch và tạo nền tảng vững chắc cho một môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi hơn.

Thêm nhiều hàng hóa, dịch vụ được miễn VAT từ tháng 7: Đối tượng, ngành nghề nào được hưởng lợi?- Ảnh 1.

Mở rộng nhóm đối tượng không chịu VAT là chính sách nhân văn, thiết thực với đời sống (Ảnh minh họa)

Các nhóm đối tượng không chịu Thuế giá trị gia tăng (VAT)

1. Sản phẩm nông - lâm - thủy sản chưa qua chế biến hoặc chỉ sơ chế thông thường

Bao gồm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu, được cụ thể hoá với những đặc điểm riêng của sản phẩm.

2. Nhà ở thuộc tài sản công

Theo quy định về tài sản công, nhà ở do Nhà nước quản lý và được bán cho người đang thuê sẽ không chịu VAT.

3. Chuyển quyền sử dụng đất

Các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất thuộc diện không chịu VAT theo Luật Đất đai, được xác định rõ trong Nghị định 181/2025.

4. Dịch vụ tài chính - ngân hàng - chứng khoán - thương mại

Các hoạt động này theo Luật và Nghị định hiện hành được miễn thuế, nhằm hỗ trợ tính thanh khoản và phát triển thị trường tài chính cho doanh nghiệp và người dân.

5. Dịch vụ tang lễ

Bao gồm dịch vụ cho thuê nhà tang lễ, xe ô tô phục vụ tang lễ, táng người chết dưới các hình thức, di chuyển mộ, chăm sóc mộ và phải do các cơ sở có chức năng kinh doanh dịch vụ tang lễ cung cấp.

6. Dịch vụ duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân hoặc viện trợ nhân đạo

Áp dụng với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.

7. Dạy học, dạy nghề

Trường hợp các cơ sở dạy học, dạy nghề có các khoản thu hộ, chi hộ thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân cung cấp cho các cơ sở dạy học, dạy nghề phải chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định.

8. Xuất bản, phát hành báo chí, sách, áp phích tuyên truyền

Các sản phẩm báo chí, sách giáo khoa, sách phục vụ thông tin đối ngoại, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số, tài liệu chính trị - pháp luật, tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử; tiền, in tiền.

9. Vận chuyển hành khách công cộng nội tỉnh và khu vực lân cận

Xe buýt, tàu điện, phương tiện thủy nội địa thực hiện vận chuyển hành khách nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh có các điểm dừng đón, trả khách.

10. Nhập khẩu máy móc - thiết bị chuyên dùng chưa sản xuất trong nước

Áp dụng cho máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu khí; máy bay, tàu thuyền loại đặc thù, cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê.

11. Viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại

Hàng hóa, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

12. Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất

Nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với nước ngoài; hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.

13. Dịch vụ chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ

Dịch vụ chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, pháp luật về công nghiệp công nghệ số và pháp luật liên quan…

14. Tài nguyên khoáng sản thô và chế biến

Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác và sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến thành sản phẩm khác theo định hướng của Nhà nước về không khuyến khích xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu các tài nguyên, khoáng sản thô… và một số hàng hóa nhập khẩu khác.

Thêm nhiều hàng hóa, dịch vụ được miễn VAT từ tháng 7: Đối tượng, ngành nghề nào được hưởng lợi?- Ảnh 2.

Chính sách mới góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo công bằng và an sinh xã hội (Ảnh minh họa)

Người dân hưởng lợi gì từ việc mở rộng nhóm không chịu VAT?

Từ ngày 1/7/2025, người dân sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí sinh hoạt nhờ chính sách miễn VAT cho hàng loạt mặt hàng thiết yếu như rau củ, thực phẩm tươi sống, vận tải công cộng, giáo dục và sách giáo khoa. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu nhiều áp lực, thu nhập chưa phục hồi nhưng giá cả liên tục biến động.

Người lao động, học sinh, hộ nghèo, người đi học nghề, người sử dụng dịch vụ tang lễ… đều được tiết giảm chi phí, dễ tiếp cận các dịch vụ công cộng hơn. Đồng thời, hộ kinh doanh nhỏ, người bán lẻ các mặt hàng chưa qua chế biến cũng được giảm áp lực về thủ tục thuế.

Đây là chính sách nhân văn, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo công bằng và an sinh xã hội, nhất là với người thu nhập thấp, đồng bào ở vùng sâu vùng xa.

Thích ứng chính sách VAT mới: Doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Việc mở rộng nhóm không chịu VAT mang lại cơ hội tiết giảm chi phí và đơn giản hóa thủ tục cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, vận tải công cộng, nông nghiệp...

Tuy nhiên, để tận dụng chính sách mới, doanh nghiệp cần nắm rõ quy định, phân loại chính xác hoạt động kinh doanh và chủ động điều chỉnh hệ thống kế toán - tài chính, bao gồm:

- Phân loại rõ nhóm hàng hóa, dịch vụ theo thuế suất (không chịu thuế, 0%, 8%, 10%);

- Kiểm soát hóa đơn đầu vào, do không được khấu trừ thuế nếu hàng hóa thuộc diện không chịu VAT;

- Cập nhật phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử cho phù hợp danh mục thuế mới;

- Dự báo dòng tiền, điều chỉnh giá bán, tránh ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Không chỉ là thay đổi mức thuế suất, đây còn là bước chuyển về tư duy quản lý tài chính - kế toán. Doanh nghiệp càng sớm thích ứng thì càng dễ tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả trong bối cảnh thị trường đang phục hồi.

Nghị định 181/2025/NĐ‑CP là văn bản trọng yếu, ghi dấu bước chuyển mạnh mẽ trong chính sách VAT ở Việt Nam, hướng tới công bằng, phát triển bền vững. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đây là "liều thuốc hỗ trợ" kịp thời, nhưng cũng đòi hỏi sự giám sát, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ cơ quan thuế, doanh nghiệp và người dân để đảm bảo chính sách đi đúng hướng, mang lại lợi ích thiết thực.

Chia sẻ

Giáng Tiên

Ý kiến của bạn