Luận bàn

Tình hình bất ổn của gia đình 5 người ở Hà Nội: Thu nhập 25 triệu, nợ 500 triệu

Thứ hai, ngày 28/07/2025 16:37 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Thu nhập không đủ tiêu, càng không đủ trả nợ...

Sống ở thành phố lớn, có người đặt mục tiêu mỗi tháng phải "có dư" mới được, nhưng cũng có người chỉ mong "đủ tiêu" thôi là đã mừng lắm rồi. Tâm sự của cô vợ trong câu chuyện dưới đây, buồn thay, lại là một trường hợp như vậy.

Chồng cô là trụ cột kinh tế và cũng là người duy nhất kiếm ra tiền, anh không ngại vất vả nhưng cũng không biết phải xoay sở ra sao cho qua quãng khó ngay lúc này...

Sắp không "trụ" lại được ở Hà Nội nữa

Gánh nặng tài chính vốn không nằm ở con số 25 triệu/tháng mà là khoản nợ 500 triệu. Cô cho biết vì muốn buôn bán, vừa là để kiếm thêm tiền, vừa để cho đỡ chán trong quãng thời gian ở nhà chăm con, nên vợ chồng đã vay tổng cộng nửa tỷ từ thẻ tín dụng và người thân để nhập hàng.

Tuy nhiên hàng tồn nhiều, vốn đọng, đã chấp nhận bán lỗ nhưng cũng chẳng hồi được mấy vốn. 

Tình hình bất ổn của gia đình 5 người ở Hà Nội: Thu nhập 25 triệu, nợ 500 triệu- Ảnh 1.

Ảnh minnh họa

"Chồng em đi làm văn phòng tháng được 25 triệu. Bọn em có 3 con, đều đang học cấp 1 và mầm non ở Hà Nội. Cả nhà vẫn đi ở thuê, mà giờ không cách nào tăng thu nhập được. Em cũng tính đi làm lại nhưng ở nhà chăm con lâu, giờ 35 tuổi rồi cũng khó xin việc, mà 1 mình chồng em đi làm thì không đủ chi tiêu sinh hoạt với trả nợ. Có lẽ nhà em sắp không bám trụ được ở Hà Nội nữa rồi, mà về quê thì cũng không biết làm gì. Bế tắc quá mọi người ạ" - Cô viết.

Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều đồng đưa ra 1 lời khuyên: Cô và các con về quê, còn chồng vẫn ở lại Hà Nội làm việc, kiếm tiền. Với tình cảnh hiện tại của gia đình thì có lẽ, đó là phương án khả thi nhất.

"Có về quê thì để bạn và con về thôi, còn chồngv ẫn ở lại mà làm chứ. Vợ con về quê thì bảo chồng thuê nhà rẻ thôi vì dù sao cũng ở 1 mình, ban ngày đi làm rồi tối cố làm thêm việc khác nữa. Chứ giờ cả nhà về quê thì coi như mất cả nguồn thu nhập 25 triệu, là bế tắc hơn đấy" - Một người bày tỏ.

"Chấp nhận gia đình xa nhau 1 thời gian, chồng ở lại cố gắng tằn tiện, kiếm tiền trả nợ vậy chứ biết làm sao được bây giờ. Nếu ở quê có khu công nghiệp thì bạn về quê xong có thể xin đi làm, kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy" - Một người chung quan điểm.

"Nhà bác buôn bán gì mà nợ tận 500 triệu ghê vậy? Nếu nợ tín dụng thì cố gắng trả khoản đó trước vì lãi cũng cao, còn nợ người thân thì xin họ thư thư cho. Lo khoản nợ tín dụng trước bác ạ chứ không lãi mẹ đẻ lãi con thì còn căng hơn" - Một người khuyên.

Bài học quan trọng phải nhớ: Kinh doanh buôn bán, đừng quên chừa cho mình 1 đường lui!

Bởi chẳng có gì chắc chắn sẽ thành công mà không thất bại, ngay cả khi bạn đã từng thành công đi chăng nữa... Kinh doanh ở thời điểm này mà vét sạch vốn liếng, tệ hơn là còn vay mượn như cặp vợ chồng trong câu chuyện phía trên, thì quả thực là quá rủi ro.

Tình hình bất ổn của gia đình 5 người ở Hà Nội: Thu nhập 25 triệu, nợ 500 triệu- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thế nên dù có làm gì đi chăng nữa, cũng phải luôn tự chừa cho mình một đường lui, vì còn gia đình, còn các con, bố mẹ phải chăm lo nữa mà. 

1 - Luôn phải lường trước khả năng âm vốn

Thực tế khắc nghiệt của khởi nghiệp là không phải ý tưởng nào cũng thành công, và không phải nỗ lực nào cũng mang lại trái ngọt.

Nguyên nhân thất bại có thể đến từ nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát: Thị trường thay đổi đột ngột, đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ, nguồn vốn cạn kiệt nhanh hơn dự kiến, sai lầm trong chiến lược, hay thậm chí là những biến động kinh tế vĩ mô không lường trước.

Việc chấp nhận rằng thất bại là một khả năng, không phải là một suy nghĩ tiêu cực mà chỉ đơn giản là 1 sự tính toán lâu dài, đề phỏng rủi ro.

2 - Kinh doanh không có nghĩa là phải "tất tay" vét sạch vốn liếng

Khi khởi nghiệp, nhiều người có xu hướng đặt cược tất cả, họ vét hết tiền tiết kiệm, thậm chí vay mượn từ người thân hoặc thế chấp tài sản cá nhân để đầu tư vào dự án. Nếu công việc kinh doanh không như ý, toàn bộ tài sản cá nhân, bao gồm nhà cửa, đất đai, hay tiền mặt,... đều có thể bị đe dọa.

Tình hình bất ổn của gia đình 5 người ở Hà Nội: Thu nhập 25 triệu, nợ 500 triệu- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Một đường lui tài chính được thiết lập trước sẽ đóng vai trò như một bức tường bảo vệ. Đó có thể là một quỹ dự phòng khẩn cấp tách biệt hoàn toàn với vốn kinh doanh, hoặc một khoản đầu tư cá nhân có tính thanh khoản cao, đủ để duy trì cuộc sống của bạn và gia đình trong một khoảng thời gian nhất định nếu nguồn thu nhập từ kinh doanh bị cắt đứt. Điều này không chỉ bảo vệ bạn khỏi nguy cơ phá sản cá nhân mà còn giảm áp lực tài chính lên những người thân yêu.

3 - Dự phòng để còn có tinh thần... làm lại!

Khi đối mặt với khó khăn hoặc thất bại trong kinh doanh, áp lực tài chính có thể gây ra căng thẳng cực độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và khả năng đưa ra quyết định sáng suốt.

Nếu bạn không có một khoản dự phòng, nỗi lo cơm áo gạo tiền sẽ chiếm hết tâm trí, khiến bạn khó có thể giữ được sự bình tĩnh để đánh giá tình hình, học hỏi từ sai lầm, hoặc thậm chí là nghĩ đến việc làm lại từ đầu.

Một đường lui tài chính không chỉ mang lại sự an toàn vật chất mà còn là "chiếc phao" tâm lý. Nó cho phép bạn có thời gian để nghỉ ngơi, suy nghĩ lại, và quan trọng nhất là có nguồn lực để bắt đầu một hành trình mới, dù là một ý tưởng kinh doanh khác hay trở lại công việc làm thuê để tích lũy kinh nghiệm và vốn. Khả năng làm lại này chính là tài sản quý giá nhất của một nhà khởi nghiệp.

Chia sẻ

Ngọc Linh

Ý kiến của bạn