Sức khỏe

Việt Nam hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 2025: Quyết tâm loại trừ sốt rét trước năm 2030

Thứ sáu, ngày 25/04/2025 19:00 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây tử vong cao nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được.

Ngày 25/4/2025, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương phối hợp cùng Sở Y tế tỉnh Nghệ An tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống sốt rét với chủ đề "Dồn tổng lực để loại trừ sốt rét: Tăng cường đầu tư; Đổi mới, sáng tạo; Quyết tâm hành động".

Sự kiện có sự tham dự của hơn 90 đại biểu đến từ Bộ Y tế, các viện chuyên môn, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh đang triển khai Dự án RAI4E - sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin do Quỹ Toàn cầu tài trợ giai đoạn 2024-2026.

Việt Nam hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 2025: Quyết tâm loại trừ sốt rét trước năm 2030- Ảnh 1.

Buổi mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm 2025 ngày 25/4 tại Cửa Lò, Nghệ An

Trong khuôn khổ sự kiện, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cũng tổ chức Hội nghị Huy động nguồn lực cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét, thể hiện quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế và nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030.

Phát biểu tại buổi lễ, TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhấn mạnh: "Sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây tử vong cao nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được. Với những thành tựu đã đạt được, Việt Nam đang trên lộ trình vững chắc hướng tới loại trừ sốt rét".

Theo thống kê, năm 2024 cả nước ghi nhận 353 ca mắc sốt rét, không có ca tử vong. Đáng chú ý, 48 tỉnh thành đã được công nhận loại trừ sốt rét. Số ca nhiễm ký sinh trùng sốt rét giảm gần 75% so với năm 2020. Số ca mắc ở trẻ dưới 5 tuổi và nhóm 6-15 tuổi cũng lần lượt giảm 86% và 62%. Tuy nhiên, vẫn còn 111 ca sốt rét ngoại lai đến từ nước ngoài, chủ yếu từ châu Phi và Lào, chiếm hơn 31% tổng số ca.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam ghi nhận 24 ca bệnh, trong đó có 14 ca sốt rét ngoại lai. Các tỉnh từng có tỷ lệ sốt rét cao như Khánh Hòa, Lai Châu, Quảng Trị đã ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt.

Chủ đề năm nay "Dồn tổng lực để loại trừ sốt rét" truyền tải ba thông điệp then chốt: Tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và quyết tâm hành động.

Việt Nam hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 2025: Quyết tâm loại trừ sốt rét trước năm 2030- Ảnh 2.

Về đầu tư, hệ thống y tế tuyến cơ sở cần được nâng cao năng lực, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu các phương pháp điều trị và phòng ngừa phù hợp với nhóm dân di biến động, người đi rừng ngủ rẫy, người qua lại các vùng lưu hành sốt rét.

Ở khía cạnh đổi mới, công tác phòng chống sốt rét cần ứng dụng công nghệ mới như xét nghiệm phát hiện nhanh ký sinh trùng, xét nghiệm G6PD để điều trị bằng Tafenoquine, mở rộng điều trị cho nhóm nguy cơ cao và giám sát dịch tễ đối với người nhập cảnh từ vùng có dịch.

Cuối cùng, quyết tâm hành động đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, từ chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế đến mỗi người dân. Công tác tuyên truyền, đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số, cần tiếp tục được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi phòng chống bệnh.

Ngày Thế giới phòng chống sốt rét được Tổ chức Y tế Thế giới phát động từ năm 2007 nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay kiểm soát và loại trừ căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống, Việt Nam tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Ngày Thế giới phòng chống sốt rét (25/4) được kỳ họp thứ 60 của Đại Hội đồng Y tế Thế giới thông qua vào tháng 5/2007 với ấn định là ngày để ghi nhận nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát bệnh sốt rét một cách hiệu quả. Mục đích của sự kiện này là nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về căn bệnh sốt rét - một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và từng gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm, đặc biệt tại các quốc gia có thu nhập thấp.

Sự kiện này cũng là dịp để cho các quốc gia đang ở trong vùng bị ảnh hưởng có cơ hội học hỏi lẫn nhau và hỗ trợ các quốc gia để cùng nỗ lực chống lại căn bệnh này. Ngày Thế giới phòng chống sốt rét còn có cơ hội để các nhà tài trợ mới liên kết với các đối tác toàn cầu chống lại sốt rét và cùng với các viện nghiên cứu có những công trình nghiên cứu khoa học có ích cho cộng đồng.

Từ năm 2007, ngày này đã trở thành dịp để cộng đồng quốc tế tập trung nguồn lực, đưa ra các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền và hành động cụ thể nhằm kiểm soát và tiến tới loại trừ sốt rét ở các quốc gia có nguy cơ cao.

Chia sẻ

PV

Ý kiến của bạn