Giáo dục

Vũ trụ "thối não": Coi mấy thứ dị dạng này bảo sao học kém - phụ huynh EQ cao cực ghét câu này!

Thứ tư, ngày 16/07/2025 17:41 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Thái độ của cha mẹ quyết định rất nhiều đến tính cách của con cái.

"Vũ trụ Brainrot" - nơi những nhân vật siêu thực như vũ công đầu cappuccino, cá mập ba chân hay lặp lại thứ âm thanh chẳng ai hiểu, cá sấu lái máy bay ném bom,... đang khiến Gen Alpha toàn cầu cười ngặt nghẽo. Và nó cũng khiến các bậc cha mẹ… hoang mang thực sự.

Trong mắt người lớn, đó là một thế giới phi logic, nên không ít ý kiến cho rằng cần ngăn cấm hoặc không cho con cái xem nội dung này. Nhưng với con trẻ, đó là một dạng giải trí dễ tiếp cận, nhanh chóng và thỏa mãn ngay lập tức trí tò mò, sức tưởng tượng phong phú.

Vũ trụ "thối não": Coi mấy thứ dị dạng này bảo sao học kém - phụ huynh EQ cao cực ghét câu này!- Ảnh 1.

Một số nhân vật trong vũ trụ Brainrot

Thực tế, vấn đề không nằm ở việc trẻ xem gì mà là người lớn phản ứng thế nào trước những thứ mình không hiểu. Với những cha mẹ có EQ cao - tức là khả năng điều tiết cảm xúc, thấu cảm và kết nối tốt - họ không lập tức cấm cản mà chọn đồng hành với con. 

Họ cũng không bao giờ buông ra những câu nói dưới đây khi thấy con đang say sưa xem vũ trụ Brainrot.

"Con đang xem gì thế này, hỏng người đấy" - câu nói tưởng chừng là bảo vệ nhưng lại có sức sát thương cực mạnh. Khi thốt ra câu này, cha mẹ vô tình phủ nhận thế giới nội tâm của con - nơi đứa trẻ đang tìm kiếm niềm vui, tiếng cười hay đơn giản chỉ là sự xả stress sau một ngày học hành áp lực. Trẻ không cần bị đánh giá, chúng cần được lắng nghe.

Một người cha hay mẹ đủ tinh tế sẽ ngồi lại, xem cùng con vài phút và hỏi nhẹ nhàng: “Cái này là nhân vật gì đấy con?”, “Sao nói lại có tên thế này? Đọc chậm cho mẹ nghe thử có gì thú vị nào” hay “Sao con thấy nó buồn cười nhỉ?”. Đó không chỉ là một câu hỏi, mà là một cây cầu - để người lớn bước vào thế giới nhỏ bé nhưng đầy cảm xúc của con trẻ.

Vũ trụ "thối não": Coi mấy thứ dị dạng này bảo sao học kém - phụ huynh EQ cao cực ghét câu này!- Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

"Cấm nha" - Câu nói bật ra theo phản xạ mang tính cấm đoán và nhanh chóng phản tác dụng. Bởi lẽ cấm đoán luôn là cách nhanh nhất để mất kết nối. Trẻ không dừng lại vì bị cấm - chúng chỉ học cách giấu đi, né tránh và thậm chí phản kháng. Cha mẹ EQ cao hiểu rằng, thay vì ra lệnh, hãy mời con cùng thiết lập giới hạn.

Một lời nói như “Bố/ mẹ thấy cái này vui đấy cho bố/ mẹ xem cùng đi”, “Mà xem lâu có rối não không? Ra ngoài bố con mình đá bóng đi?”, “Dạo này bố mẹ thấy con xem brainrot hơi nhiều đấy! Con có thấy mình cần chấn chỉnh không?”,... sẽ giúp con tự nhìn lại hành vi của mình. Trẻ em không cần ranh giới dựng lên bằng sợ hãi, chúng cần ranh giới được thiết lập bằng đối thoại và sự tin tưởng.

Vũ trụ "thối não": Coi mấy thứ dị dạng này bảo sao học kém - phụ huynh EQ cao cực ghét câu này!- Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Câu nói tệ hại nhất, không nên xuất hiện trong bất kỳ ngữ cảnh nào, chính là: "Coi mấy cái này cho lắm rồi học kém". Đây là tâm lý đổ lỗi cho mọi thứ mình không thích ở con, mặc cho trẻ cảm thấy không được đồng cảm, thấu hiểu từ cha mẹ.

Người lớn có EQ cao sẽ không dán nhãn con, mà đặt câu hỏi để con tự khám phá: “Con thấy cái này giúp mình học được gì không?”, hoặc thậm chí chia sẻ thẳng thắn: “Bố mẹ thấy nó cũng vui, nhưng nếu mình xem nhiều quá mà không suy nghĩ, thì lâu dài cũng làm não mình lười đi đấy”. Họ dạy con bằng sự tôn trọng, không bằng sự áp đặt.

Thật ra trong tình huống này, điều quan trọng nhất mà cha mẹ EQ cao nắm được là: Đối thủ không phải cái điện thoại, mà là sự mất kết nối giữa họ và con cái. Họ không cố đánh bại điện thoại hay máy tính bảng, TikTok hay YouTube. Họ chọn cách bước vào đó cùng con, để hiểu con đang cười vì điều gì, từ đó giúp con phân biệt giữa nội dung “giải trí nhanh” và những thứ thật sự nuôi dưỡng trí tuệ.

Con trẻ rồi sẽ lớn và sớm muộn cũng sẽ chán những thứ như Tralalero Tralala, Tung Tung Tung Sahur, Bombardino Crocodilo, Lirilì Larilà,... Điều sẽ ở lại trong ký ức chúng không phải là hình ảnh con cá mập ba chân hay khúc gỗ biết đánh tung tung mà là hình ảnh người cha, người mẹ đã ngồi xuống hỏi một câu đơn giản: “Con thấy vui chỗ nào?”. Sự tôn trọng đó mới là liều vaccine thật sự giúp trẻ tự miễn dịch với mọi thứ “thối não” nguy hại trong cuộc đời này.

Chia sẻ

S.A

Ý kiến của bạn