Khởi sự kinh doanh

“Vua rong biển” Nguyễn Công Nam Hiến: Khát vọng gây dựng ngành rong biển Việt trước “ông lớn” ngoại quốc

Thứ hai, ngày 28/04/2025 15:30 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Với số vốn 30 triệu đồng ban đầu cùng 470 triệu đi vay để khởi nghiệp, cho tới món nợ 50 tỷ tiền nguyên liệu, Nguyễn Công Nam Hiến đã sáng lập và chèo lái GENKAI trở thành nhà sản xuất rong biển hàng đầu cung cấp cho hàng loạt “ông lớn” trong ngành bán lẻ là Winmart+, Bách Hoá Xanh, AEON, Lotte, GO!... và phân phối khắp Việt Nam.

“Vua rong biển” Nguyễn Công Nam Hiến: Khát vọng gây dựng ngành rong biển Việt trước “ông lớn” ngoại quốc- Ảnh 1.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống theo ngành Luật ở Hải Phòng. Năm 2015, Nguyễn Công Nam Hiến quyết định khởi nghiệp với ngành sản xuất thực phẩm tiêu dùng, và chọn rong biển làm sản phẩm chính.

Năm 2020, thương hiệu GENKAI ra đời - trở thành công ty Việt Nam đầu tiên có khả năng sản xuất tất cả các sản phẩm thương mại từ rong biển. Năm 2023, GENKAI xây dựng và vận hành nhà máy hiện đại hơn 3000m2 tại Long An. Đến nay, GENKAI đã từng bước hiện thực hoá giấc mơ của Nguyễn Công Nam Hiến: tiến ra thị trường quốc tế, tôn vinh văn hoá rong biển và giành lại thị trường cho người Việt trước các đối thủ từ Hàn Quốc, Thái Lan!

“Vua rong biển” Nguyễn Công Nam Hiến: Khát vọng gây dựng ngành rong biển Việt trước “ông lớn” ngoại quốc- Ảnh 2.

“Vua rong biển” Nguyễn Công Nam Hiến: Khát vọng gây dựng ngành rong biển Việt trước “ông lớn” ngoại quốc- Ảnh 3.

Hiện nay, rong biển GENKAI đã là một thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng trên cả nước, nhưng những bước đi đầu tiên thì như thế nào? Tại sao anh lại chọn rong biển?

Tôi chọn ngành thực phẩm, cụ thể là sản xuất thực phẩm tiêu dùng, vì đó là cách tạo ra dòng tiền quy mô lớn và bền vững. Đồng thời công ty tiêu dùng cũng tạo ra một kênh phân phối mạnh, thương hiệu bao phủ, tiếp cận được nhiều khách hàng.

Tôi không ăn được rau, nhưng lại rất thích ăn rong biển. Tôi nhìn sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… là những thị trường mà Việt Nam sẽ phát triển gần giống trong tương lai, rong biển với họ là một văn hóa lớn, mà nước mình thì rất giống các nước này về ẩm thực, ăn cơm, ăn canh, trồng lúa… Sau đó tôi nhìn lên Trung Quốc, anh hàng xóm khổng lồ của chúng ta, 1/3 sản lượng của các công ty rong biển của Thái Lan được bán sang đây, quá tiềm năng. Thời điểm năm 2015 thị trường rong biển ở Việt Nam còn sơ khai, nên tôi quyết định chọn rong biển để khởi nghiệp.

“Vua rong biển” Nguyễn Công Nam Hiến: Khát vọng gây dựng ngành rong biển Việt trước “ông lớn” ngoại quốc- Ảnh 4.

Những sản phẩm đầu tay của GENKAI không bán lẻ mà "đi thẳng" vào Vinmart+ (hiện nay là Winmart+) và Bách Hóa Xanh. Đây có phải một lần "đặt cược" táo bạo không? Làm sao để một sản phẩm quá mới có thể vào được hệ thống lớn như vậy?

Tôi muốn bán hàng cho các hệ thống siêu thị lớn để gây dựng thương hiệu và có được quy mô sản xuất lớn ngay lập tức. Tôi chọn khách hàng khó nhất vì tiêu chuẩn của họ cao, được họ chấp nhận rồi thì công ty sẽ có uy tín hơn rất nhiều.

Tôi đã tự mình đi "chào hàng" nhưng đều bị từ chối, thật sự rất khó khăn, vì chúng tôi "nhỏ và mới" quá. Sau rất nhiều lần thất bại, tôi quyết định thay đổi cách làm: không chào hàng bằng sản phẩm đơn thuần nữa mà xây dựng một kế hoạch kinh doanh chi tiết, thuyết phục đối tác thấy rằng mỗi tháng tôi sẽ bán được bao nhiêu hàng, làm chương trình khuyến mại gì, đầu tư ra sao, khác biệt với đối thủ như thế nào?

Tôi cũng tiếp cận khách hàng với tâm thế của một doanh nghiệp lớn, có đẩy đủ catalog sản phẩm, hồ sơ công ty một cách chuyên nghiệp.

Sản phẩm chưa tốt, tôi về thay đổi. Nhà máy chưa tốt, tôi về đầu tư thêm. 6 tháng kiên trì tìm mọi cách để chứng minh năng lực, và cuối cùng tôi đã thuyết phục được khách hàng mua hàng của mình.

Việc chọn Winmart là đối tác đầu tiên cũng là một chiến lược giúp chúng tôi khẳng định được chất lượng và từng bước quảng bá thương hiệu. Sau "cú bắt tay" đó, GENKAI đã thuận lợi đến với nhiều "ông lớn" khác như Bách Hoá Xanh, Go! BigC, AEON, Emart, Lotte, … và sau này là toàn bộ kênh phân phối truyền thống hơn 40 tỉnh thành.

“Vua rong biển” Nguyễn Công Nam Hiến: Khát vọng gây dựng ngành rong biển Việt trước “ông lớn” ngoại quốc- Ảnh 5.

Từ khi nào anh có ý tưởng sẽ xây dựng vùng nguyên liệu trên vùng biển quốc gia trong khi việc nhập khẩu cũng đang rất thuận lợi?

Nguồn nguyên liệu của GENKAI trước đây chủ yếu được nhập khẩu từ Hàn Quốc, và một phần từ biển Nha Trang của Việt Nam. Nhà cung cấp của chúng tôi cũng là tập đoàn sản xuất rong biển thô lớn nhất Hàn Quốc. Họ đã sản xuất rong biển trước chúng ta nhiều năm, xây dựng được cả một ngành công nghiệp khép kín với tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Nguyên liệu thô được sản xuất từ Hàn Quốc thì 90% có thể đi vào sản xuất, trong khi tỉ lệ này ở Việt Nam thấp hơn nhiều do quy trình nuôi trồng, tiêu chuẩn hóa… còn chưa đồng bộ. Điều này làm tôi rất trăn trở.

Tôi trao đổi với đối tác ở Hàn Quốc xu thế hiện nay đang là "thế giới phẳng", các quốc gia đang hợp tác để cùng có lợi. Họ có công nghệ, tôi có thị trường. Tôi muốn xây dựng văn hoá rong biển ra nhiều nước trên thế giới, không quan trọng "của ai" mà quan trọng đó là niềm tự hào chung của châu Á chúng ta. Để làm việc đó, tôi cần có vùng nguyên liệu riêng tại Việt Nam.

Còn về "tâm tư", thật sự tôi muốn đóng góp cho Đất nước, đầu tư cho nông nghiệp bền vững, đem lại giá trị cho biển Việt Nam.

“Vua rong biển” Nguyễn Công Nam Hiến: Khát vọng gây dựng ngành rong biển Việt trước “ông lớn” ngoại quốc- Ảnh 6.

Anh đã làm thế nào để thuyết phục được đối tác Hàn Quốc chia sẻ điều vốn thuộc về "bí quyết sống còn" của họ?

Năm 2022, trong giai đoạn doanh thu tăng vọt và hàng hóa nguyên liệu thiếu trầm trọng, dòng tiền xoay vòng rất khó khăn, tôi quyết định mời nhà cung cấp lớn nhất của mình sang Việt Nam để đàm phán giãn công nợ thêm 30 ngày và đi thực tế thị trường để họ hiểu được khó khăn của công ty. Bác Chủ tịch bên đó đã cử con trai mình, Giám đốc kinh doanh – cũng là người sẽ thừa kế Tập đoàn, sang để gặp tôi.

Thay vì đón tiếp anh ấy một cách hào nhoáng thì tôi giữ nguyên hiện trạng của công ty. Tôi chở anh ấy bằng xe máy khắp Sài Gòn, đi máy bay giá rẻ, ở khách sạn 2 sao, ăn những món vỉa hè, gặp gỡ các siêu thị, nhà phân phối tỉnh và lắng nghe họ. Đó là cách thực tế nhất để họ thấy tôi đang làm gì, gặp khó khăn như thế nào, không vẽ vời, không giấu giếm. Anh ấy cảm nhận được sự chân thành của GENKAI và cũng thấy được chúng tôi cố gắng từng đơn hàng như thế nào.

Sau khi trở lại Hàn Quốc, anh ấy đã kể hết về tôi với cha anh ấy, và bác Chủ tịch đã gọi điện mời tôi sang Hàn Quốc một lần nữa, với tâm thế và cái nhìn hoàn toàn khác. Bác ấy nói rằng nhìn thấy hình ảnh lúc trẻ của mình trong tôi, trước đây bác ấy cũng là người cầm từng gói hàng đi khắp thế giới để gây dựng ngành rong biển cho Hàn Quốc. Bác ấy trân trọng công sức của tôi và muốn giúp đỡ thật lòng. Để chứng minh cho lời nói đó, bác ấy đã lập tức quyết định cho tôi "vay" số nguyên liệu trị giá 2 triệu đô la, 1 triệu đô la gối đầu, cộng thêm 300 ngàn đô la tiền chi phí công nghệ không tính lãi. Đồng thời, bác ấy cũng hứa sẽ sang Việt Nam để xây dựng vùng nguyên liệu tại vùng biển của nước ta. Hiện nay, lời hứa này đã bắt đầu được thực hiện.

Sự hợp tác này có ý nghĩa như thế nào với GENKAI, thưa anh?

Nhờ có số nguyên liệu được cho vay đó, GENKAI đã có được cột mốc mới, đủ hàng hóa để bao phủ khắp các kênh phân phối. Sau đó tôi trích một phần lợi nhuận nâng cấp nhà máy ở Hà Nội và Long An, với thiết bị sản xuất tự động hoá hoàn toàn. Các nhà máy đều hoạt động hết công suất với sản lượng 30 triệu lá rong biển/tháng, làm việc 20 tiếng/ngày. Thời điểm đó, chúng tôi có khả năng nhận nhiều đơn đặt hàng lớn, và cũng thành công trong việc làm giảm thị phần của các công ty Hàn Quốc, Thái Lan tại Việt Nam, từng bước giành lại thị trường cho doanh nghiệp Việt.

“Vua rong biển” Nguyễn Công Nam Hiến: Khát vọng gây dựng ngành rong biển Việt trước “ông lớn” ngoại quốc- Ảnh 7.

“Vua rong biển” Nguyễn Công Nam Hiến: Khát vọng gây dựng ngành rong biển Việt trước “ông lớn” ngoại quốc- Ảnh 8.

Nhìn lại hành trình gần 10 năm, anh thấy mình đã thu nhận được những gì?

Tôi thấy mình đã nỗ lực để vượt qua chính mình. Tôi được sống, được làm việc trọn vẹn với tuổi trẻ. Việc thành công - thất bại, được - mất không quá quan trọng, mà là mình đã dám làm, dám đối mặt và không hối hận.

Hành trình khởi nghiệp cũng giúp tôi tìm ra sứ mệnh của mình, đó là góp phần cống hiến cho Đất nước. Với tôi, Đất nước là động lực lớn nhất. Tôi sẽ cố gắng hết sức cùng GENKAI để đưa ngành rong biển Việt Nam vươn ra quốc tế, xây dựng một vùng nguyên liệu chất lượng cao trên chính vùng biển nước nhà trong vòng 10 năm tới. Tôi cũng mong mình sẽ xây dựng được GENKAI như Lotte của Hàn Quốc, một tập đoàn đa ngành nghề, nhưng dựa trên nền tảng là sản xuất thực phẩm, nhà hàng ăn uống và bán lẻ.

“Vua rong biển” Nguyễn Công Nam Hiến: Khát vọng gây dựng ngành rong biển Việt trước “ông lớn” ngoại quốc- Ảnh 9.

Nếu gửi gắm một thông điệp gì đó cho những người trẻ đang khởi nghiệp, ấp ủ nhiệt huyết cống hiến, anh muốn nói gì?

Tôi đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng khi chỉ 21 tuổi. Tôi làm được và các bạn cũng sẽ làm được. Có điều, thay vì nghĩ về tiền bạc hay hưởng thụ cá nhân để làm động lực, hãy nghĩ về Đất nước và những giá trị tạo ra cho khách hàng, đó mới là động lực bền vững nhất.

Trên mạng xã hội, bạn sẽ thấy tôi nói về tiền, về sự tự do tài chính, làm chủ thời gian. Tôi muốn qua đó tạo động lực cho mọi người cùng cố gắng, thúc giục mọi người làm việc chăm chỉ, nỗ lực vượt qua chính mình và rồi sẽ có phần thưởng xứng đáng.

Bây giờ là thời cơ không thể nào đẹp hơn với các bạn, các hệ thống nền tảng và hỗ trợ kinh doanh đều có sẵn. Tôi tin rằng những người trẻ sẽ là những viên gạch trong triệu triệu viên gạch tôn lên vị thế của dân tộc trong "kỉ nguyên vươn mình".

Chia sẻ

PV

Ý kiến của bạn