Tôi vẫn nhớ chuyến du lịch xa đầu tiên với bạn bè vào những năm đầu đại học. Chúng tôi đi Hội An bằng xe giường nằm, chuyến xe 12 tiếng rong ruổi từ Hà Nội, nghỉ chân ở Ninh Bình, thức dậy thấy Quảng Bình ngoài cửa sổ, ăn sáng ở Huế và đặt chân đến Hội An vào buổi trưa. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ bầu trời đẹp tuyệt khi xe đặt chân dần vào địa phận Quảng Bình với ánh bình minh ửng hồng phía chân trời cùng những đám mây vần vũ, bầu trời xanh lam thăm thẳm với những nhành hoa giấy hồng rực ở Hội An, hay bầu trời đầy sao ở Cù Lao Chàm vào cái đêm chúng tôi cắm trại ngoài đảo.
Lớn lên khi đi làm, tôi được đi nhiều hơn và được ngắm nhìn nhiều hơn những bầu trời ở những miền đất khác trên đất nước. Bầu trời chập tối giữa núi non Mù Cang Chải với khói lam chiều phảng phất như một mảnh khăn mỏng. Bầu trời hoàng hôn màu tím lộng lẫy trứ danh ở Phú Quốc. Bầu trời đêm tĩnh mịch trong một khu cắm trại ở Gia Lai. Bầu trời reo vui những tiếng máy bay tập dượt cho đợt diễu binh 30/04 ở Tp.HCM.
Dưới những bầu trời ấy, là muôn màu cuộc sống của từng thành phố nơi tôi đặt chân qua trên đất nước này. Một làng chài ven biển với những tàu cá nô nức chen nhau về bến vào mỗi buổi chiều. Một bản làng nằm sâu trong những con đường lắt léo lên núi, nơi có một gia đình người Thái mời chúng tôi ăn món bánh truyền thống của họ mỗi dịp Tết. Một đô thị không ngủ, nơi mà ngay cả khi bóng đêm trùm xuống vẫn có thể thấy cả thành phố rực sáng ánh đèn.
Trong đề văn tốt nghiệp THPT vừa rồi, có câu: “Vùng Trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ Quốc”. Tôi càng thấm thía điều này khi chu du khắp vùng duyên hải miền Nam đúng vào thời điểm sáp nhập tỉnh thành. Trước 1/7, tôi ghé thăm tỉnh Ninh Thuận để đến Vịnh Vĩnh Hy. Sau hôm nay, dù vẫn đang ở Vĩnh Hy nhưng tôi lại đang ở địa phận tỉnh Khánh Hoà.
Một thay đổi lớn lao, tạo ra một cú chuyển mình mạnh mẽ cho đất nước và khiến chúng ta ý thức rõ hơn về cội rễ của mình. Dù là người con của tỉnh thành nào trước và sau sáp nhập, dù có bao niềm tự hào về bản sắc của quê hương mình ra sao - sau ngày hôm nay - chúng ta vẫn là người Việt Nam. Vẫn cùng nhau hít thở dưới chung một bầu trời, và sẵn sàng cùng đất nước bước chân qua một cánh cửa mới, tiến về tương lai.
Sáp nhập không chỉ là những câu chuyện xa xôi, càng không đơn giản như câu nói đùa về quê vải Hải Dương sẽ thành… Hải Phòng. Sáp nhập không chỉ là câu chuyện kỹ thuật hành chính. Đó là một cử chỉ lớn của một quốc gia đang muốn bước đi nhanh hơn, mạnh hơn, trong khi vẫn tìm cách giữ cho mình một dáng đi yên ổn. Đất nước, sau nhiều năm mở rộng về kinh tế và kết nối hạ tầng, đã đến lúc cần tinh gọn lại về tổ chức. Sự tinh gọn không làm giảm đi bản sắc - ngược lại, nó đòi hỏi chúng ta phải hiểu sâu hơn về bản sắc, để giữ lấy điều cần giữ, và buông bỏ những gì đã không còn phù hợp với tương lai.
Trong thay đổi, điều dễ mất nhất không phải là tên gọi, mà là cảm giác thuộc về. Vì vậy, bài toán khó nhất nằm ở cách chúng ta cùng nhau xác lập lại mối quan hệ với vùng đất mình sống, và với những người cùng sống ở đó. Sự nhập lại các tỉnh không phải để làm mờ đi ranh giới cá tính vùng miền, mà để nhắc nhau rằng: Mỗi sự khác biệt đều là mảnh ghép cần có, cho một bức tranh lớn hơn.
Không phải ai cũng cần hiểu hết chi tiết của chính sách. Nhưng mọi người đều có quyền được cảm thấy mình đang là một phần của điều gì đó rộng lớn hơn. Đó là thước đo quan trọng nhất của một đất nước đang tiến lên: Không để ai bị tụt lại phía sau.
Người ta hay sợ thay đổi vì nó gây xáo trộn. Nhưng nếu xáo trộn đó là để mọi thứ sau đó được vận hành mạch lạc hơn - thì có lẽ, sự xáo trộn ấy đáng được đón nhận. Cái gì ngắn lại thì gần hơn. Gần không chỉ về hành trình - mà cả về trách nhiệm, về sự rõ ràng trong từng việc. Khi bộ máy tinh gọn, việc đến tay ai - người đó biết mình phải làm tử tế.
Sự thay đổi cũng sẽ mang đến những cơ hội mới cho các vùng đất. Khi một địa phương nhỏ đứng một mình, đôi khi nó bị bỏ quên. Không phải vì nó không đẹp, không đáng quý, mà vì nó nằm ngoài những bản vẽ lớn. Nhưng khi các đơn vị được gộp lại thành một chỉnh thể đủ tầm, thì những “vùng rìa” bỗng thành phần nối dài - được tính đến, được chạm vào, được đầu tư. Bây giờ, khi các tỉnh được gộp lại, những vùng quê ấy không còn là “rìa” nữa. Chúng trở thành điểm nối giữa các trung tâm cũ, được tính trong những bản quy hoạch mới. Một xã nhỏ ven biển có thể trở thành cửa ngõ du lịch mới. Một thị trấn từng bị xem là “quá bé để đầu tư” giờ nằm ngay giữa tuyến giao thông liên tỉnh. Không phải vì nó thay đổi - mà vì cách người ta nhìn nó đã khác.
Một vùng đất không lớn lên được nếu chỉ đứng một mình. Nhưng khi được đặt vào một bức tranh lớn hơn - được kết nối, được chia sẻ, được lắng nghe - thì nó có thể trở thành nơi bắt đầu của những thứ chưa từng có trước đó.
Khi hành chính được tinh gọn lại, tỉnh mới lớn hơn, nhưng mô hình vận hành gọn hơn - thông tin đồng bộ, dữ liệu dùng chung, trách nhiệm rõ ràng. Mỗi người dân không còn phải nhớ mình thuộc huyện nào, xã nào, đơn vị nào có thẩm quyền nữa.
Người trẻ có cách đón nhận những thay đổi lớn bằng một kiểu tự nhiên rất riêng. Họ không quá bận tâm đến ngôn ngữ hành chính, không trăn trở về cơ cấu bộ máy, nhưng lại rất nhanh nhạy với những thay đổi chạm đến đời sống thường nhật. Đó có thể là chuyện đơn giản như: “Giờ đi công tác không cần chạy lòng vòng nữa,” hay “Tỉnh mình to ra, cơ hội tìm việc nhiều hơn.”
Ở đâu có chuyển động, ở đó người trẻ sẽ tìm thấy cơ hội. Một bạn làm du lịch nội địa chia sẻ rằng khi nghe tin sáp nhập, bạn lập tức cập nhật lại bản đồ các tour miền Bắc: “Giờ mình có thể thiết kế tuyến liên tỉnh trong cùng một địa phương - dễ xin phép hơn, quảng bá cũng thuận tiện hơn.” Một người khác làm công nghệ thì đăng tuyển “cộng tác viên dữ liệu bản đồ mới” như thể đang chờ đón một cuộc cập nhật phần mềm quốc gia.
Người trẻ không thờ ơ. Họ đón nhận sự thay đổi bằng tinh thần của một thế hệ thách thức, quen chạy nhanh, và cũng quen bắt đầu lại từ đầu nếu cần. Chỉ cần họ thấy đây là một cánh cửa mới được mở ra - là họ đã sẵn sàng đồng lòng bước chân tiến về phía trước cùng cả đất nước.
Tôi vẫn nghĩ, nếu có một điều gì khiến chúng ta - dù ở đâu, làm gì - vẫn thấy gắn bó với mảnh đất này, thì đó là bầu trời. Bởi bầu trời là thứ không có ranh giới, không cần hộ khẩu, không cần tên gọi hành chính. Dù bạn ở Phú Quốc hay Móng Cái, Sài Gòn hay Cao Bằng, chỉ cần ngẩng đầu lên - bạn vẫn thấy cùng một vòm xanh đang bao trùm lấy mình.
Cũng như vậy, vùng đất quê hương nào, sau sáp nhập cũng vẫn là một phần tử tế và vững chãi trong bức tranh mang tên Tổ Quốc. Không có nơi nào bị mất đi, không có nơi nào mờ nhạt đi, chỉ là chúng ta đang dịch lại gần nhau hơn một chút. Một tỉnh lớn hơn, những con đường như gần lại, một cái tên chung - tất cả để nhắc nhau rằng, mình cùng ở đây, cùng đang sống, và cùng chịu trách nhiệm cho một tương lai chung.
Tổ quốc là cảm giác về một mái nhà lớn để quay về. Càng đi nhiều, tôi càng thấy rõ điều ấy. Và càng thấy yêu thêm những thay đổi, dù chậm rãi, dù còn nhiều thứ phải quen - vì chúng giúp đất nước này trở nên mạch lạc hơn, gần gũi hơn, dễ sống hơn.
Chúng ta đã bước vào một chương mới - không phải bằng những nghi lễ long trọng, những biển tên được thay mới, mà bằng những cú click chuột cập nhật địa chỉ hộ khẩu, những trang sách Địa lý được chỉnh sửa lại tên tỉnh… Nhưng trong tất cả những điều đó, có một thứ không cần sửa lại: Đó là tình yêu nơi mình sinh ra, yêu vùng đất nơi mình đang sống, và tin vào một đất nước đang ngày càng gọn gàng, rõ ràng, và rộng mở.
Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời của Tổ quốc. Dù bước chân có đặt lên tên tỉnh nào đi nữa, thì mỗi tấc đất ta đi qua, mỗi người ta gặp, mỗi giấc mơ ta ấp ủ - đều đang nằm dưới một bầu trời chung.Vì thế, dù có sự đổi thay nào, ta vẫn sẽ thuộc về. Và vẫn có thể tự hào ngẩng đầu mà nói: Đây là quê hương tôi.