Nấm mốc có khoảng 30.000 loại, trong đó hơn 200 loại là mối nguy hiểm đến sức khoẻ, thậm chí có thể gây ung thư. Với sự nguy hiểm như vậy, chưa kể còn rất bẩn thì ai cũng muốn tránh nấm mốc. Tuy nhiên, "mối hiểm hoạ" này lại đầy rẫy ở trong nhà của chúng ta. Đặc biệt là 10 vị trí và các món đồ này, chỉ cần thấy chấm đen thì bạn phải để ý mà vệ sinh ngay.
1. Giường bệt Tatami hoặc giường hộp
Để tăng diện tích lưu trữ đồ đạc, nhiều người chọn dùng giường bệt Tatami hoặc giường hộp. Mặc dù có thêm không gian chứa đồ nhưng vì quá bí bách, phần dưới giường rất dễ phát triển nấm mốc. Đặc biệt ở những khu vực có độ ẩm cao, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh giường thì tường, sàn nhà... cũng có thể trở thành "hang ổ" của nấm mốc.
Vì vậy, nếu nhà của bạn thường xuyên bị nồm ẩm thì nên chọn loại giường bốn chân được thiết kế thoáng khí. Kiểu giường này giúp không khí lưu thông tốt hơn, giảm nguy cơ nấm mốc phát triển.
2. Dưới sàn gỗ
Nhiều gia đình chỉ khi sửa nhà lần thứ hai mới phát hiện rằng mặc dù bề mặt sàn gỗ trông bình thường nhưng thực tế phần dưới đã mốc meo từ lâu.
Nguyên nhân vì gỗ có khả năng hút và giữ ẩm cao. Khi có độ ẩm từ không khí hoặc từ dưới mặt sàn ngấm vào từ móng nhà, gỗ không thể thoát ẩm nhanh chóng, tạo môi trường kín và ẩm ướt, thuận lợi cho nấm mốc phát triển. Thêm vào đó, nếu sàn gỗ không được lắp đặt đúng cách hoặc không có lớp chống ẩm dưới sàn, tình trạng này càng dễ xảy ra.
Vì vậy, nếu bạn ở khu vực ẩm ướt, có độ ẩm cao thì tốt nhất vẫn việc chọn gạch men thay vì sàn gỗ. Như vậy sẽ sạch sẽ và an toàn hơn.
3. Mặt sau giấy dán tường
Vài năm sống trong nhà mới, cả gia đình bỗng dưng bị ho, ngứa da. Sau đó, một mảng giấy dán tường tự rơi ra và mọi người bàng hoàng phát hiện phía sau đầy nấm mốc.
Vị trí này bẩn như vậy là vì giấy dán tường thường hút ẩm từ không khí. Khi độ ẩm tích tụ, môi trường này trở thành nơi lý tưởng để nấm mốc phát triển. Hơn nữa, mặt sau của giấy dán tường không được thông thoáng khiến độ ẩm không thể thoát ra ngoài. Điều này tạo điều kiện cho nấm mốc sinh sôi.
4. Bồn rửa
Các khu vực như bồn rửa trong bếp, chậu rửa tay trong nhà vệ sinh hoặc dưới chân bồn cầu thường bị mốc ở các chỗ nối bằng keo silicone vì tiếp xúc nhiều với nước. Sau khoảng 6 tháng sử dụng, keo silicone dễ bị đen và mốc.
Nguyên nhân chính chủ yếu là do loại keo silicone không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, bạn nên tự mua keo MS chống mốc, loại này có hiệu quả tốt và có thể duy trì lâu dài mà không bị mốc. Ngoài ra, sau khi sử dụng xong, hãy lau khô các khu vực này để giúp giảm tình trạng này.
5. Khu vực bếp
Bất kỳ phần nào trong bếp, dù là phần cố định hay các dụng cụ thường xuyên được sử dụng đều có thể bị mốc. Ví dụ như keo silicone ở các vị trí như viền chắn nước trên mặt bàn, xung quanh bồn rửa... rất dễ bị mốc sau một thời gian sử dụng.
Về dụng cụ nhà bếp, tất cả các vật liệu gỗ như thớt, đũa, thìa gỗ... đều dễ bị mốc. Vì gỗ dễ hút ẩm và giữ độ ẩm lâu, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển, đặc biệt khi những món đồ này còn tiếp xúc với nước thường xuyên.
Những nấm mốc này thậm chí còn có thể tạo ra Aflatoxin, một loại độc tố có khả năng xâm nhập vào mạch máu và được liệt vào nhóm chất gây ung thư cấp độ 1.
6. Đồ chơi tắm của trẻ em
Khi tắm cho bé, cha mẹ thường chuẩn bị những món đồ chơi tắm riêng để bé phối hợp tốt hơn.
Song chính những món đồ chơi này thường xuyên ngâm trong nước mà không được phơi khô kỹ thì bên trong rất dễ bị mốc, đặc biệt là các loại làm từ cao su hay silicon. Hầu như khi tháo ra kiểm tra, món nào cũng xuất hiện chấm đen, cực nguy hiểm vì bé thường cho đồ chơi vào miệng.
7. Máy giặt và tủ lạnh
Các khe kín như gioăng tủ lạnh rất dễ hình thành một loại nấm mốc gọi là Chlamydosporium có thể gây ra các phản ứng dị ứng khi hít phải. Còn đối với máy giặt, những vị trí dễ bị mốc nhất là vòng cao su và ngăn chứa bột giặt hoặc nước xả vải.
Máy giặt mà có mốc thì mỗi lần giặt quần áo chẳng khác gì đưa nấm mốc lên đồ mình mặc. Tủ lạnh cũng tương tự, nếu không vệ sinh thường xuyên, nấm mốc bám vào các vết bẩn và gioăng cửa sẽ lan dần sang đồ ăn, rất hại cho sức khoẻ.
Do đó, bạn nên hình thành thói quen vệ sinh định kỳ 2 thiết bị này. Riêng với máy giặt thì dùng xong đừng đóng cửa ngay mà hãy để thông thoáng và khô ráo nhất có thể.
8. Bàn chải đánh răng
Do thường xuyên tiếp xúc với nước và được để trong phòng tắm ẩm ướt, bàn chải rất dễ bị mốc, đặc biệt là ở các khe hở. Dù là bàn chải điện hay bàn chải thường, đều khó tránh khỏi vấn đề này.
Khuyến nghị là vì đây là những vật dụng thường xuyên tiếp xúc với miệng, bạn nên kiểm tra thường xuyên và làm sạch ngay nếu phát hiện dấu hiệu mốc. Đồng thời, khi cất giữ, hãy để bàn chải nằm ngược và đảm bảo có đủ không khí lưu thông để giảm thiểu khả năng phát sinh nấm mốc.
9. Gối và nệm
Khi ngủ, da đầu và cơ thể thường xuyên đổ mồ hôi. Chính mồ hôi sẽ thấm vào trong gối và nệm và nếu không được thông gió kịp thời, những món đồ này cũng dễ dàng bị ẩm mốc, đen sì.
Nấm mốc trong gối và nệm là một tác nhân gây dị ứng có thể khiến bạn bị ho, hắt hơi, chảy nước mũi và các triệu chứng dị ứng khác. Nếu tiếp xúc trong thời gian dài hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Vì vậy, nếu bạn cảm thấy gối hoặc nệm có mùi mốc khi ngủ thì đừng chần chừ mà hãy thay ngay lập tức.
10. Chậu gập
Chậu gập tuy tiết kiệm không gian nhưng thực sự không bền. Nếu sau khi sử dụng mà không làm khô rồi cất đi thì chỉ sau vài ngày, những nếp gấp sẽ bắt đầu có nấm mốc. Dù bạn có thể rửa sạch và sử dụng lại thì vẫn bẩn và mất thẩm mỹ.
Vậy nên nếu có thể, hãy hạn chế sử dụng chậu gập mà chọn những chậu bình thường sẽ sạch sẽ hơn. Nếu gia đình bạn có chậu gập thì phải để khô trước khi cất đi để tránh nấm mốc.
Làm thế nào để loại bỏ nấm mốc?
Dưới đây là một số phương pháp mà các bạn có thể tham khảo:
1. Loại bỏ từ gốc: Ở những khu vực có độ ẩm cao, tốt nhất là tránh lát sàn gỗ, dán giấy dán tường hay sử dụng giường tatami, giường hộp. Cố gắng giảm thiểu cơ hội để nấm mốc phát triển.
2. Chọn loại keo silicone tốt: Khi sử dụng keo cho bồn rửa nhà bếp và phòng tắm, nên chọn loại keo MS chống nấm mốc thay vì keo silicone thông thường.
3. Sử dụng chất tẩy mốc cho tường: Nếu tường bị mốc, bạn có thể mua các loại chất tẩy mốc chuyên dụng. Trong trường hợp mốc quá nặng thì có thể phải cạo bỏ phần mốc rồi sơn lại.
4. Với đồ dùng nhà bếp, đồ chơi trẻ em, nệm, gối bị mốc sẽ rất khó làm sạch hoàn toàn, tốt nhất là nên vứt bỏ và thay mới.
5. Sử dụng máy hút ẩm: Nếu nhà bạn ở khu vực có độ ẩm cao, việc sử dụng máy hút ẩm là rất cần thiết để giữ độ ẩm dưới 60%. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể khả năng phát sinh mốc.
Mốc là vấn đề không thể xem nhẹ, bạn cần chú ý đến các khu vực có nguy cơ bị mốc trong nhà như đã liệt kê ở trên và xử lý kịp thời để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho gia đình.
Nguồn: post.smzdm.com
Email: