"Con gái rượu" tạo bất ngờ cho người cha lao động...
Mới đây, một vụ việc gây xôn xao CĐM Trung Quốc đã xảy ra tại tỉnh Hà Bắc. Theo đó, một bé gái 10 tuổi đã âm thầm tiêu hết gần 8.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 27 triệu đồng) trong tài khoản của bố mình để mua vật phẩm trong trò chơi điện tử trên điện thoại di động. Điều đáng nói, số tiền này là thu nhập trong vòng 3 tháng của người bố – một lao động phổ thông, khiến gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn.

Người bố chỉ phát hiện ra sự việc khi nhận được tin nhắn thông báo từ ngân hàng về những giao dịch đáng ngờ. Sau khi kiểm tra tài khoản và đối chiếu, ông hoảng hốt nhận ra rằng toàn bộ số tiền đã bị con gái mình sử dụng để nạp tiền cho các trò chơi trên nền tảng di động. Cô bé đã lợi dụng lúc bố không để ý để mở khóa điện thoại, truy cập vào game và thực hiện nhiều giao dịch vi mô trong thời gian ngắn.

Quá đau lòng, người bố đã tìm đến công ty phát hành trò chơi để yêu cầu hoàn tiền. Sau khi xác minh, công ty quyết định hoàn trả cho gia đình 6.200 nhân dân tệ (khoảng 22 triệu đồng), giữ lại 1.800 nhân dân tệ (khoảng 6 triệu đồng) cho các khoản chi phí không thể thu hồi như phần quà đã mở hoặc đã sử dụng trong game. Tuy nhiên, đối với người cha này, thiệt hại vẫn là quá lớn và là một bài học không thể nào quên.
Bài học trong việc quản lý chi tiêu ở trẻ nhỏ
Vụ việc trên không chỉ gây bức xúc trong dư luận Trung Quốc mà còn làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trẻ em sử dụng thiết bị điện tử mà không có sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức về giá trị tiền bạc và hành vi tiêu dùng hợp lý, gia đình trên lại quá dễ dãi, thiếu kỹ năng công nghệ để kiểm soát con cái trong chi tiêu.

Vậy mới thấy, các bậc phụ huynh cần chủ động thiết lập những cơ chế bảo vệ như sử dụng mật khẩu, khóa ứng dụng, kiểm soát nội dung và thời gian sử dụng thiết bị. Đặc biệt, cần thường xuyên trò chuyện, hướng dẫn trẻ về giá trị của tiền bạc và hậu quả của việc tiêu dùng tùy tiện. Việc giáo dục tài chính nên bắt đầu từ sớm để trẻ hiểu rằng mọi khoản chi tiêu đều phải được cân nhắc.
Ngoài ra, CĐM cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các công ty phát hành game. Rõ ràng, nhiều trò chơi hiện nay được thiết kế với mục đích lôi kéo người chơi nạp tiền thông qua các phần thưởng hấp dẫn, âm thanh sống động, và các nút “mua ngay” dễ dàng tiếp cận, khiến trẻ nhỏ dễ rơi vào “bẫy tiêu dùng ảo”. Dù một số đại diện đã áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt hoặc xác thực độ tuổi, nhưng các biện pháp này vẫn còn nhiều kẽ hở.
Nguồn: Sohu
Email: