Tuyên phi Đặng Thị Huệ là một trong những nữ nhân để lại dấu ấn đặc biệt trong sử Việt. Ngoài xinh đẹp, Đặng Thị Huệ còn có bí quyết khiến chúa Trịnh Sâm mê mẩn không rời, yêu chiều che chở, muốn gì được nấy. Cho đến sau này, đi qua bao trang sử sách, người ta vẫn không hết bất ngờ về Đặng Thị Huệ. Từ cô thôn nữ hái chè tới "đệ nhất phi tần" mang trong mình tham vọng "đổi ngôi" để rồi chuốc lấy kết cục bi thảm, câu chuyện cuộc đời Đặng Thị Huệ hẳn sẽ không làm bạn đọc thất vọng.
Gặp gỡ
Trong Hoàng Lê nhất thống chí, ngay từ hồi thứ nhất đã nói đến việc Đặng Tuyên Phi được sủng ái và là người đứng đầu hậu cung.
Chuyện rằng, bấy giờ Trịnh Kiểm giúp vua dẹp yên được dư đảng họ Mạc, kế tiếp tước vương, nắm giữ hết quyền binh, hoàng gia mỗi ngày một suy yếu. Đến đời Hiển Tông Vĩnh hoàng đế, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) thì Thánh Tổ Thịnh Vương (tức Trịnh Sâm) mới lên ngôi chúa, chuyên quyền cậy thế, làm oai làm phúc. Khi đó, vua Lê cũng chỉ biết "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Tài liệu lúc đó ghi lại Thịnh vương là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán sáng suốt, trí tuệ hơn người, đủ tài văn võ. Khi lên ngôi chúa, từ kỷ cương đến sự vụ trong nước, hết thảy đều được sửa đổi, đảng nghịch đều bị đánh tan. Khi bốn phương yên ổn thì chúa lại dần sinh bụng kiêu căng, xa xỉ, phi tần thị nữ kén vào không xuể, mặc ý vui chơi thỏa thích.

Tuyên phi Đặng Thị Huệ không chỉ xinh đẹp mà còn sắc sảo, lanh lợi. Ảnh minh họa: Cometwithouse
"Một lần nọ, tiệp dư Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. Ả họ Đặng này, quê ở làng Phù Đổng, mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa nom thấy rất bằng lòng, bèn tư thông với ả" - theo Hoàng Lê nhất thống chí.
Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Ngô Văn Phú có nói về Đặng Thị Huệ thế này: "Huệ thông minh và vô cùng xinh đẹp", "Năm mười ba tuổi, Huệ ra đường đã bị người chọc ghẹo. Mười bốn, mười lăm, đi đâu cũng bị trai làng, hoặc trai làng khác, rình rập trêu bỡn. Nhưng với cái miệng bẻo lẻo, cái uy của người có sắc đẹp, cô đảo mắt một lần, nhìn kỹ đứa cầm đầu và đứa sắc sảo trong bọn, liếc đứa này một liếc, đứa kia một liếc, đủ cho chúng nổi lên trong lòng ghen tỵ và đứa nọ ngăn đứa kia không gây nổi chuyện bậy bạ với cô".
Không chỉ vậy "Huệ tần tảo tháo vát, cha mẹ mất sớm, cô buôn bán loanh quanh, chợ này chợ khác, buôn gì cũng lãi, làm gì cũng được, chẳng mấy lúc nức tiếng ở làng. Nhờ nước da trời cho trắng như trứng gà bóc, nhờ sự linh hoạt, sắc sảo, khi Huệ xuất hiện, đám trai làng bâu cả vào xung quanh Huệ. Huệ cười với người này, đưa mắt với người kia, và cất tiếng hát đối đáp với họ, đám mê gái càng đổ đến vây bọc lấy xung quanh Huệ".
Trong cuốn 36 Hoàng hậu hoàng phi Thăng Long, tác giả Nguyễn Bích Ngọc cũng không quên miêu tả về Đặng Thị Huệ rằng: "Đặng Thị khéo léo, biết cách uốn éo, làm vừa lòng chúa, nên chẳng bao lâu chúa cho Huệ vào ở liền trong cung".
Sủng ái
Chúa Trịnh Sâm yêu Huệ say đắm, việc gì cũng bàn với Huệ. Trong Hoàng Lê nhất thống chí có nói rõ việc này. "Ả nói gì chúa cũng nghe và hễ có việc gì là chúa cũng bàn với ả. Rồi ả được ở chung một nơi với chúa, ý như một cặp vợ chồng nhà thường dân. Xe kiệu, quần áo của ả cũng đều được sắm sửa hệt như đồ dùng của chúa".
Thông thường, phi tần đều có nơi ở khác, chỉ khi vua chúa cho vời mới được diện thánh. Tuy nhiên, sự yêu chiều và sủng ái của Đặng Thị Huệ đã khiến nhiều người "đỏ mắt một phen". Chúa phong Huệ là Tuyên phi, ban cho nàng nhiều thứ quý giá.

Ảnh minh họa chúa Trịnh Sâm.
Từ một kẻ thường dân, Tuyên phi được sủng ái ngày càng có vẻ lộng hành. Hễ có chuyện gì không vừa ý, nàng ta xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết để làm rối lòng chúa. Từ bậc vương tước đầy quyền uy, ngả lòng trước sắc đẹp của Tuyên phi, chúa Trịnh ngày càng chịu lép vế trước người con gái quá ư xinh đẹp và sắc sảo này.
Trong một lần đánh dẹp phương Nam, chúa có được một viên ngọc dạ quang, vẫn xâu trên đầu khăn làm đồ trang sức. Có hôm Tuyên phi lấy tay mân mê viên ngọc, chúa nhắc nhẹ tay không làm ngọc xây xát. Huệ ta bèn ném viên ngọc xuống đất mà khóc nháo, trách chúa khinh người rồi tự ý bỏ ra ở cung khác, từ chối gặp chúa.
Chúa Trịnh khi ấy phải dùng rất nhiều cách để dỗ cho Tuyên phi Đặng Thị Huệ vui lòng, khi ấy Huệ mới chịu làm lành với chúa. Rồi có khi nàng ta chẳng mặc gì, chỉ khoác lên người chiếc áo mỏng, đong đưa, lượn lờ trước mặt chúa. Khi chúa lao vào thì lại lẩn đi khiến chúa sôi máu chạy theo tìm kiếm mới thôi.

Hình ảnh Trịnh Sâm cùng Đặng Thị Huệ thưởng trà bên Tả Vọng đình.
Trở thành cung phi, Huệ thị cũng được người dân gọi là "Bà chúa chè". Cách gọi này không hẳn là do xuất thân là cô gái hái chè hay bán chè mà do sở thích của Tuyên phi Huệ thị.
Mỗi lần thưởng trà, chúa đều cho vời Huệ thị. Huệ thị rất thích trà sen. Từ cứ liệu của Ngô Thì Nhậm trong Tuyển thơ văn Ngô Thì Nhậm tiết lộ thêm một chi tiết rằng Huệ thị thường xuyên thưởng trà cùng Trịnh Sâm.
Không những vậy, bà còn sành sỏi, am hiểu cách thức thưởng trà nên dân gian cũng gọi bà là "Bà chúa chè". Tên gọi này cũng xuất hiện trong cuốn Lê quý dật sử của Bùi Dương Lịch.
Đoạt ngôi
Sự ủng ái của chúa Trịnh dành cho Tuyên phi chưa dừng lại ở đó. Khi Huệ có thai, chúa sai người đi lễ khắp trăm thần để cầu sinh con thánh. Huệ hạ sinh được con trai vào năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng 38 (1777). Chúa vô cùng trân quý đứa con này, khi được trăm ngày đã lấy tên mình lúc nhỏ là Cán mà đặt tên cho, tỏ ý giống mình.
Trịnh Cán đầy tuổi trông cốt cách tướng mạo khôi ngô, đẫy đã, khác hẳn người thường. Đến khi biết nói thì vương tử lại đối đáp gãy gọn, cử chỉ chẳng khác gì người lớn và Trịnh Cán có trí nhớ rất tốt. Bởi vậy chúa lại càng lấy làm yêu thương.
Lúc ấy, chúa đã có thế tử Trịnh Tông do thái phi Dương Ngọc Hoan sinh ra. Dù Trịnh Tông đã lớn, dung mạo khôi ngô mà chúa cũng chẳng yêu chiều gì mấy. Đến năm thế tử đủ 18 tuổi theo lệ được mở phủ riêng nhưng ngôi đông cung vẫn trống, chúa cũng chẳng nói chẳng rằng. Dần dà, lòng người chia hai phe, một bên Trịnh Cán và một bên Trịnh Tông. Dù con của đích đã đủ tuổi lập phủ đệ nhưng chúa vẫn một mực yêu thương Trịnh Cán, Tuyên phi từ ấy nhen nhóm ý định cướp ngôi.
Khi thế tử Trịnh Tông bị truất ngôi, Huệ thị đòi hỏi con gái chúa yêu thương nhất là công chúa Ngọc Lan gả cho em trai mình là Đặng Mậu Lân. Cũng theo như cuốn Hoàng Lê nhất thống chí kể lại, Lân này vốn là tên hung bạo, ỷ lại chị gái được yêu sủng mà nghênh ngang càn rỡ. "Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ người nào trông vừa mắt, tức thì Lân sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền. Ai không chịu, Lân xẻo luôn đầu vú. Chồng hoặc cha kẻ bị nạn, nếu dám hé răng kêu ca, lập tức Lân sai quân vặn gãy răng hoặc cũng có người bị đánh đến chết".
Nhưng rồi, chúa sợ mất lòng Huệ thị nên bất đắc dĩ phải gả con gái mình cưng chiều nhất cho Lân. Cho đến tận lúc này, người ta vẫn thấy một lòng chiều chuộng và sủng ái Tuyên phi Huệ thị của Trịnh vương dường như không có giới hạn.

Lại nói, khi bệnh nặng, trước khi hấp hối chúa hẹn Huệ thị còn duyên thì gặp nhau kiếp khác. Chúa Trịnh Sâm qua đời năm 1782. Ngay sau khi chúa tắt thở, thế tử Cán lên làm Điện đô vương. Nhưng vì tuổi quá nhỏ nên khi ấy Tuyên phi thay Trịnh Cán quyết sách triều chính cùng bè phái của mình là Huy quận công Hoàng Đình Bảo.
Kết cục
Tham vọng làm vương hậu chấp chính nhưng nàng ta vẫn lo lắng bị phe Trịnh Tông nổi dậy lật đổ. Bao mong chờ của Đặng Thị Huệ đã đổ vỡ. Từ trong triều đến người dân đều phẫn nộ chúa khi còn sống phế con cả lập con út làm đông cung và thay chúa gánh vác quyền binh.
Tháng 10 năm Tân Dậu 1781, binh lính tam phủ nổi dậy truất ngôi Trịnh Cán, giáng xuống làm Cung quốc công, đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa, lập thành Đoan Nam Vương. Phe cánh của Huệ thị bị truy lùng trả thù thảm khốc. Dương thị, mẹ đẻ Trịnh Tông, đã bị Trịnh Sâm lạnh nhạt nay trở lại nắm ngôi mẫu hậu, bắt bớ Huệ thị, đánh đập tồi tệ và giam vào ngục tối.
Cho đến ngày giỗ của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi gào khóc thảm thiết và uống thuốc độc tự tử trước bàn thờ chồng. Năm ấy là năm 1784.
Đặng Thị Huệ chỉ là một dân nữ nhà nghèo ở làng Phù Đổng, xứ Kinh Bắc. Từ bé đã biết hái chè ra chợ bán kiếm tiền sinh sống. Sự bươn trải nhanh chóng giúp Huệ thị ý thức được có thể dùng nhan sắc và trí tuệ của mình để theo đuổi tham vọng lầu son gác tía.
Suy cho cùng, lòng người không biết điểm dừng đều có ngày gặp họa. Tham vọng đã đẩy Huệ thị đi đến kết cục bi thảm, chết trong lẻ loi, cô đơn.
Email: