Ngày 23/6, thương hiệu thời trang LAM KHUE Design bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa cửa hàng tại số 28A Phố Huế (Hà Nội) vào ngày 15/7 - chính thức khép lại hành trình hơn 8 năm đồng hành cùng phái đẹp yêu thời trang nữ tính và tinh tế. Thông tin này khiến nhiều khách hàng tiếc nuối bởi LAM KHUE là một trong những local brand có cá tính riêng, bền bỉ với phong cách thanh lịch, chuẩn mực.

Sau ngày hoạt động cuối cùng tại đây, Hương Phạm - founder thương hiệu đã đăng tải một bài viết dài trên fanpage LAM KHUE Design, chia sẻ thẳng thắn về 7 sai lầm lớn mà cô tự nhận là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ. Trong bối cảnh nhiều local brand đang đối mặt với áp lực sống còn, sự chia sẻ chân thành và có chiều sâu này đã nhận được sự đồng cảm đặc biệt từ khách hàng và cộng đồng thời trang.
"Một local brand thất bại không phải vì người sáng lập không giỏi hay không chăm mà bởi tư duy sai lầm cho dù đã làm việc nỗ lực." - founder LAM KHUE Design mở đầu bài viết.

Dưới đây Hương Phạm lần lượt chỉ ra 7 bài học mà mình đúc kết từ thất bại:
1. Đổ lỗi cho "thị trường khó khăn" thay vì thay đổi tư duy
Trong giai đoạn suy giảm kinh tế, cụm từ "thị trường khó quá" trở thành lý do phổ biến để giải thích cho doanh thu đi xuống. Thay vì nhìn lại hệ thống từ sản phẩm, khách hàng đến vận hành, Hương thừa nhận mình đã trì hoãn sự thay đổi, tiếp tục đi theo lối cũ mà không dám phá vỡ cái quen. Cô cho rằng tư duy đổ lỗi đã giới hạn năng lực thích ứng và khiến đội ngũ dễ rơi vào trạng thái buông xuôi.
2. Không định hướng rõ ràng cho thương hiệu
Từng điều hành bằng đam mê và bản năng, Hương nhận ra mình đã không xác lập rõ ràng những giá trị cốt lõi, khách hàng lý tưởng hay triết lý mà thương hiệu muốn theo đuổi. Điều đó khiến LAM KHUE thiếu bản sắc dài hạn, dễ bị lặp lại hoặc cuốn theo xu hướng. Đặc biệt, Hương Phạm nhấn mạnh rằng: thương hiệu local là hiện thân của người sáng lập, nếu không hiểu rõ chính mình thì khó có thể xây dựng được định hướng dài hơi.
3. Không thiết lập mục tiêu cụ thể, đo lường được
Nữ doanh nhân thừa nhận đã từng điều hành doanh nghiệp mà không có KPI, không lập kế hoạch rõ ràng hay đo lường hiệu suất. Điều đó dẫn đến việc thiếu ưu tiên và hoạt động dựa vào cảm tính. Hương cho rằng đây là hệ quả của việc "lãng mạn hóa sự nỗ lực", nghĩ rằng cứ cố gắng là đủ mà không đối mặt với các con số và thực tế vận hành.

4. Yêu sản phẩm hơn khách hàng
Sáng tạo những thiết kế đẹp mắt nhưng khó ứng dụng, Hương Phạm thừa nhận cô từng ưu tiên lý tưởng thẩm mỹ cá nhân mà quên mất yếu tố thực tế. Đây là một sai lầm phổ biến của nhiều người làm sáng tạo, dành phần lớn tâm huyết để tạo ra những thiết kế đẹp, độc đáo theo cảm nhận cá nhân và lý tưởng thẩm mỹ, mà thiếu đi góc nhìn từ khách hàng. Cô nhấn mạnh: khách hàng không chỉ mua vì cái đẹp, mà họ mua thứ phục vụ được nhu cầu đời sống thật, thứ họ có thể "sống cùng". Định nghĩa lại "bản sắc" là điều cô cho rằng các nhà thiết kế cần làm nếu không muốn cô lập bản thân.
5. Quản trị tài chính hời hợt, không tách bạch cá nhân và doanh nghiệp
Hương Phạm cho biết hệ thống tài chính của LAM KHUE chưa từng được xây dựng bài bản: không kế hoạch dòng tiền, không phân tích lãi gộp - lãi ròng, không kiểm soát ngân sách. Đặc biệt, việc trộn lẫn tài chính cá nhân và doanh nghiệp khiến cô luôn tưởng "vẫn ổn" khi tài khoản có tiền, trong khi hiệu quả kinh doanh thật sự chưa rõ ràng. Bài học lớn nhất cô rút ra: Trân trọng đồng tiền là quản trị tốt chứ không phải làm nhiều, tiêu ít.

6. Không biết cách đào tạo đội ngũ theo đúng chuẩn của mình
Khi thương hiệu phát triển, Hương không có phương pháp để nhân sự làm việc đạt chuẩn như bản thân từng làm. Sợ làm "người xấu", cô tránh va chạm, ngại sa thải, không nghiêm khắc khi cần. Cô thừa nhận đây là sai lầm vì đã khiến đội ngũ không trưởng thành và chính người lãnh đạo thì kiệt sức. Hương cho rằng: yêu thương không đồng nghĩa với dễ dãi, và sự nghiêm khắc đúng lúc mới giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
7. Không xây dựng thương hiệu cá nhân dù biết điều đó quan trọng
Sai lầm cuối cùng là im lặng. Dù hiểu rõ sức mạnh của thương hiệu cá nhân của một founder là kênh truyền thông mạnh mẽ, Hương Phạm lại ngần ngại chia sẻ về hành trình, về tư duy thiết kế hay triết lý của mình. Cô thừa nhận: mình từng ám ảnh với sự hoàn hảo, nghĩ phải thành công rực rỡ rồi mới dám nói. Nhưng rồi nhận ra, thứ khiến người khác kết nối không phải sự hoàn hảo mà là sự chân thật. Thị trường ngày nay không còn như cũ, khách hàng không chỉ mua sản phẩm, họ mua niềm tin, mua câu chuyện, mua con người đứng sau thương hiệu.

Kết thúc bài viết, Hương Phạm không đổ lỗi cho ai, cô cho biết mình viết ra những sai lầm này, không phải để tự trách mình, mà để đối diện và chia sẻ với những người có cùng đam mê vẫn đang gồng gánh thương hiệu của họ: "Lần này, tôi sẽ bắt đầu lại, không phải từ con số 0, mà từ sự trưởng thành. Vì một thương hiệu chỉ thật sự bắt đầu khi người sáng lập thật sự trưởng thành."
Email: