Hannah Hampton - nữ thủ môn của tuyển Anh đang được nhắc đến như một hiện tượng kỳ diệu tại Euro năm nay. Cô gái từng bị chẩn đoán mắc chứng mắt lác, phải phẫu thuật từ năm 3 tuổi và được cảnh báo nên tránh xa thể thao, giờ đây lại chính là nhân tố giúp tuyển nữ Anh tiến vào chung kết.
Mới đây, sau trận bán kết nghẹt thở với Thụy Điển, giới truyền thông Tây Ban Nha đã "há hốc mồm" khi Hampton trả lời phỏng vấn trôi chảy bằng tiếng Tây Ban Nha. Nhưng khả năng ngoại ngữ không phải điều đặc biệt duy nhất ở cô gái sinh năm 2000 này. Hampton còn học cả ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với người anh họ khiếm thính - và đó chỉ là một phần trong hành trình đầy cảm hứng của thủ thành đang khiến cả châu Âu dậy sóng.


Thủ môn Hampton đã cản phá thành công hai quả phạt đền trong loạt sút luân lưu giúp đội tuyển Anh giành chiến thắng trước Thuỵ Điển
Từ nhỏ, Hampton đã bị mắt lác - một chứng rối loạn khiến hai mắt không phối hợp được với nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng quan sát bóng bay. Dù đã trải qua ba cuộc phẫu thuật nhưng không thành công. Các bác sĩ từng nói thẳng với bố mẹ cô rằng: "Hãy để con bé tránh xa thể thao".
Nhưng Hampton thì không cam lòng. Cô bé ngày nào từng chảy máu mũi, gãy ngón tay chỉ vì đỡ trượt bóng, đã quyết không dừng lại. "Tôi lớn lên trong sự khẳng định rằng mình không thể chơi bóng. Nhưng tôi muốn chứng minh điều ngược lại", cô nói.

Hampton mắc chứng mắt lác từ nhỏ
Năm 5 tuổi, Hampton cùng gia đình chuyển tới Tây Ban Nha. Bố mẹ muốn cô học một ngôn ngữ mới, ai ngờ lại vô tình mở ra cánh cửa đến Villarreal. Cô gia nhập lò đào tạo của CLB và thi đấu ở vị trí… tiền đạo suốt 5 năm trời! Chính điều này đã lý giải vì sao khi loạt luân lưu đến, Hampton lại hí hửng tuyên bố: "Tôi phấn khích lắm - bản năng tiền đạo trong tôi trỗi dậy!".
Nhưng đằng sau nụ cười là rất nhiều nước mắt. Thị lực yếu khiến Hampton phải chật vật trong từng buổi tập. Khi mới 16 tuổi và vừa nổi lên ở Birmingham City, cô từng không kiểm soát được cảm xúc, bị áp lực nuốt chửng. Rất may khi ấy, cô gặp được Ellen White - huyền thoại tuyển nữ Anh, người đã ở bên nâng đỡ tinh thần.



Năm 2021, Hampton chuyển đến Aston Villa, dưới sự dìu dắt của HLV Carla Ward. Nhưng chỉ một năm sau khi được triệu tập lên tuyển, sự nghiệp quốc tế của cô suýt sụp đổ vì tin đồn có "thái độ không tốt" ở trại huấn luyện. Cô bị loại khỏi danh sách, hứng bão chỉ trích và từng nghĩ đến chuyện giải nghệ.
"Lúc ấy, tôi thực sự suy sụp. Nhưng nhờ có những người tin tưởng mình, tôi đã quay lại. Tôi không muốn để những lời sai sự thật định nghĩa bản thân", Hampton chia sẻ.
Và rồi, sau 5 tháng, cô trở lại trong kế hoạch của HLV Sarina Wiegman - người dũng cảm gạt Mary Earps khỏi đội hình chính để đặt niềm tin vào Hampton.
Đáp lại, Hampton tỏa sáng rực rỡ trước Thụy Điển ở bán kết Euro. Hai pha cứu thua ở loạt luân lưu cùng phong độ ổn định xuyên suốt giải đấu đã biến cô thành thủ lĩnh nơi khung gỗ. Trước đó, cô còn kiến tạo như "số 10 thực thụ" trong trận thắng Hà Lan, khiến khán giả phấn khích không kém.

Điều tuyệt vời là trong khung thành của tuyển Anh mùa này, Hampton không đơn độc. Cô cùng Anna Moorhouse (30 tuổi, điềm tĩnh) và Khiara Keating (hài hước, đầy năng lượng) đã tạo nên bộ ba cực kỳ gắn kết. Họ hỗ trợ, cổ vũ và cười đùa bên nhau - một bức tranh đoàn kết khó có được ở vị trí vốn nhiều cạnh tranh như thủ môn.
"Mấy năm qua là hành trình rất khó khăn với tôi ở tuyển Anh. Nhưng các cô gái ở đây đã chứng kiến tất cả và họ giúp tôi đứng dậy. Tôi biết ơn vì lại được khoác áo đội tuyển. Và tôi chỉ muốn làm tất cả để mang cúp về cho đất nước", Hampton nghẹn ngào nói.

Trong một kỳ Euro không quá bùng nổ về mặt bàn thắng, một thủ môn như Hannah Hampton lại tỏa sáng rực rỡ - theo cách chẳng ai ngờ tới. Cô không chỉ bắt bóng, mà còn bắt trọn trái tim người hâm mộ bằng chính hành trình không bỏ cuộc của mình.
Email: