Giáo dục

"Cú sốc" trại hè ở Thái Nguyên: Chúng ta đang dạy con kỹ năng sống, hay đang dùng tiền của để "chuộc lỗi nuôi dạy"?

Thứ sáu, ngày 04/07/2025 14:25 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Đừng "ngây thơ" nữa. Nếu thiếu nền tảng, một vài ngày rèn kỹ năng không phải là chiếc đũa thần thay đổi con cái bạn.

Những ngày gần đây, mạng xã hội dậy sóng với bài chia sẻ của một phụ huynh sau khi cho con tham gia trại hè tại Thái Nguyên. Trại hè được giới thiệu là giúp trẻ "kết nối thiên nhiên, chữa lành cảm xúc, học kỹ năng sống" nhưng thực tế, theo phản ánh của chị, con bị nổi mẩn ngứa, nhịn đi vệ sinh suốt 8 ngày, thậm chí bị bắt nạt bởi bạn cùng trại, còn người lớn thì thiếu trách nhiệm, phản hồi lạnh lùng như không phải chuyện của mình.

Vụ việc chưa ngã ngũ, nhưng những phản ánh trên đủ khiến bất kỳ phụ huynh nào phải giật mình nhìn lại: Liệu việc cho con đi trại hè là một lựa chọn giáo dục tỉnh táo, hay chỉ là giải pháp "nhẹ người" của những cha mẹ không còn nhiều thời gian? Rốt cuộc chúng ta đang dạy con kỹ năng sống, hay đang dùng trại hè để "chuộc lỗi nuôi dạy"?

"Cú sốc" trại hè ở Thái Nguyên: Chúng ta đang dạy con kỹ năng sống, hay đang dùng tiền của để "chuộc lỗi nuôi dạy"?- Ảnh 1.

"Cú sốc" trại hè ở Thái Nguyên: Chúng ta đang dạy con kỹ năng sống, hay đang dùng tiền của để "chuộc lỗi nuôi dạy"?- Ảnh 2.

Những hình ảnh được bà mẹ chia sẻ

Trong những năm gần đây, trại hè nở rộ như một xu hướng giáo dục hiện đại. 

Nhiều cha mẹ, cả năm không mấy khi ngồi nói chuyện với con tử tế, đến hè bỗng phát hiện con "chưa tự lập, thiếu kỹ năng", thế là gửi gắm vào trại hè với hy vọng con thay đổi sau vài ngày "có người khác dạy giùm".  

Nhiều cha mẹ, suốt năm để con học cầm chừng, bịt mắt trước điểm số, không dạy cũng chẳng mắng. Đến hè, bỗng dưng phát sinh một nhu cầu dạy con tự lập, trưởng thành nhưng lại không có thời gian để dạy, không đủ kiên nhẫn để cùng con lớn lên. Thế là trại hè trở thành cứu cánh: Chỉ cần trả vài triệu, chụp vài tấm ảnh con cười, là cảm thấy mình đã làm tròn bổn phận.

Đừng nhầm lẫn vài ngày ngủ lán ăn rau là bài học về trưởng thành

Tôi không phủ nhận: Trại hè, nếu được tổ chức nghiêm túc, có thể là một lát cắt đẹp trong hành trình khôn lớn của con trẻ. Con được gặp bạn mới, xa cha mẹ một chút, tập sống tập làm, học ngoại ngữ, một kỹ năng mới. Nhưng nếu thiếu đi hai chữ trách nhiệm, thì nơi đó không còn là trại hè, mà là một phiên bản kém an toàn của trường nội trú ngắn hạn.

Nhưng rrại hè không thể biến một đứa trẻ yếu ớt thành người bản lĩnh chỉ sau một tuần. Kỹ năng sống không phải là vài lần rửa bát, một lần leo dây thừng hay ăn cơm muối vừng ngủ dưới lán. Mà là thứ được xây từ từ qua năm tháng: Khi trẻ học cách kiểm soát cảm xúc, biết chia sẻ, biết lắng nghe, biết tự lo mà không sợ hãi.

Trẻ con không có kỹ năng phản kháng. Nhiều đứa bị bắt nạt không biết làm gì. Bị đau bụng, không dám than. Khóc thì bị xem là yếu kém vì không chịu hoà nhập. Người lớn lại thường gắn cho những phản ứng ấy cái mác: "Trải nghiệm cần thiết", "thử thách vượt giới hạn", "tự lập kiểu mới".

Một môi trường không lắng nghe trẻ, không bảo vệ trẻ, không tôn trọng cảm xúc trẻ dù có gắn mác giáo dục cũng không thể gọi là giáo dục.

Tôi nghĩ nhiều về trách nhiệm của chính cha mẹ. Phải chăng, trong thời đại mà ai cũng bận rộn, trại hè trở thành cách dễ dàng để "có cảm giác đã làm gì đó cho con"? Nhưng kỹ năng sống đâu phải chuyện vài ngày. Đó là quá trình cha mẹ sống cùng con, trò chuyện, tranh luận, cùng tháo gỡ các khúc mắc nhỏ mỗi ngày. Đó là khi con thất bại, mình không rầy mà phân tích. Khi con cãi, mình không quát mà lắng nghe. Khi con buồn, mình không ép vui mà cùng con thấu hiểu.

Trại hè, nếu tốt, có thể bổ sung. Nhưng nó không thể thay thế. Nó không phải phép màu.

Trẻ em cần kỹ năng sống. Nhưng trước tiên, các em cần một môi trường an toàn và được lắng nghe 

Tôi nghĩ về câu nói của một phụ huynh trong vụ việc vừa qua: "Trại hè không phải nơi để gửi con cho xong". Đúng vậy. Trẻ em cần kỹ năng sống. Nhưng trước tiên, các em cần một môi trường an toàn và được lắng nghe. Và môi trường đó, đầu tiên phải bắt đầu từ chính gia đình.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Trung tâm giáo dục Diệp Quang) từng nói, đại ý: "Một em thiếu niên được bố mẹ đăng ký cho đi học một khóa học hay tham gia một trại hè trải nghiệm. Trong khuôn khổ các hoạt động tại đây, em miễn cưỡng làm theo các yêu cầu của ban tổ chức. Cuối học kỳ, hay khi kết thúc trại, em gặp lại bố mẹ rất vui mừng, cảm động, ôm hôn các kiểu và húa sẽ trở thành trò giỏi, con ngoan. Vậy là em đã có được các kỹ năng sống chưa? Sau vài ngày vui vẻ tại gia đình thì gần như chắc chắn là "mèo vẫn hoàn mèo".

Không ai yêu thương con bạn bằng chính bạn. Đừng nhầm lẫn vài ngày ngủ lán ăn rau là bài học về trưởng thành. Vì trưởng thành thật sự là được nuôi dạy trong yêu thương và sự kiên nhẫn, chứ không phải bị ném vào một thử thách chỉ để người lớn được yên tâm.

Tôi không phản đối trại hè. Những chương trình có tâm, có tổ chức bài bản, có quy trình xử lý khủng hoảng rõ ràng luôn đáng trân trọng. Có những trại hè đã làm rất tốt vai trò bổ trợ giáo dục, giúp trẻ tự tin hơn, hoà nhập tốt hơn. Nhưng điều đó càng đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa kỹ càng hơn, thay vì chạy theo những lời quảng bá bắt tai.

Một đơn vị đào tạo kỹ năng sống uy tín cần cả một công nghệ đào tạo hoàn chỉnh và một quá trình nghiên cứu nghiêm túc chứ không phải giáo viên tự vạch ra kỹ năng và chủ yếu dạy bằng kinh nghiệm với mục đích thu được lợi nhuận là chính. Chưa kể, cơ sở vật chất không bảo đảm, thiếu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng… sẽ là mối nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ nhỏ.

Trước khi gửi con đi bất kỳ đâu, hãy hỏi kỹ: Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu con bị tổn thương? Ai sẽ lắng nghe con khi con cần? Và nếu không có câu trả lời rõ ràng, thì tốt nhất, bạn nên để con ở nhà và tự mình đồng hành.

Bởi lẽ, kỹ năng sống không nằm ở dây thừng hay lội suối, mà nằm trong từng cuộc trò chuyện chân thành giữa cha mẹ và con cái mỗi ngày.

Chia sẻ

Bảo Tín

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận