Một phụ huynh mới đây đã đăng tải một số hình ảnh về lớp học của con mình lên mạng xã hội, kèm theo dòng chú thích: "Chán không buồn nói".
Được biết, con chị hiện học lớp 4 tại trường tiểu học trung tâm của một thành phố lớn. Dù trường được xây dựng từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện, khiến con chị phải liên tục học nhờ ở nhiều địa điểm khác nhau. Không chỉ vậy, phụ huynh còn cho biết gia đình phải cùng nhau đóng góp để mua máy chiếu, lắp điều hòa cho lớp, những trang thiết bị mà theo chị, lẽ ra nhà trường cần trang bị đầy đủ để học sinh có môi trường học tập tốt.
Ngay sau khi được đăng tải, bài viết đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và vấp phải làn sóng tranh luận gay gắt. Một bên đồng cảm và chia sẻ với nỗi lòng của người mẹ, bên còn lại lại cho rằng chị đang đòi hỏi quá mức, "tiền ít nhưng lại muốn được phục vụ đủ đầy", và chưa nhìn nhận thấu đáo hoàn cảnh chung của ngành giáo dục công lập hiện nay.

Bài đăng của phụ huynh
Trong phần bình luận, không ít người đồng tình: "Mong muốn chính đáng thôi. Trường học ở trung tâm 1 thành phố lớn mà cơ sở vật chất như vậy thì thực sự đáng lo. Làm cha mẹ, ai cũng muốn con được học hành trong điều kiện tốt nhất". Không phải ai cũng có điều kiện để cho con học trường tư, trường quốc tế. Và nếu phụ huynh cứ im lặng chấp nhận thì bao giờ chất lượng giáo dục công lập mới khá lên được?."
Ở chiều ngược lại, rất nhiều phụ huynh lên tiếng phản bác. Không ít người cho rằng, việc trường học thiếu thiết bị như máy chiếu, điều hòa là thực trạng chung và không thể đòi hỏi mọi thứ đều được "bao trọn gói" bởi ngân sách nhà nước. Điều kiện vật chất tuy chưa hoàn hảo nhưng không đến mức xuống cấp. Phòng học tuy không được thoáng, nhưng bàn ghế được còn mới, sàn gạch sạch sẽ.
"Ngân sách đâu thể lo hết từ bàn ghế, tường vôi, đến máy chiếu, máy lạnh cho hàng nghìn trường học. Nếu ai cũng đòi hỏi như vậy, thì quốc gia nào chịu nổi?", một tài khoản bình luận. Người khác phân tích thêm: "Xã hội hóa giáo dục tức là phụ huynh góp sức để cải thiện điều kiện học tập cho chính con mình. Máy chiếu thuê mỗi năm tầm 4,5 triệu đồng, chia cho 45 phụ huynh thì mỗi người chưa tới 100.000 đồng. Không quá lớn".
Cũng có quan điểm đặt ra câu hỏi, nếu trường thiếu phòng học, không nhận thêm học sinh thì con chị sẽ phải học ở đâu? Nếu không hài lòng, sao không chọn trường tư, trường quốc tế mà học?.
"Trường công "ngon" ở trung tâm thì xin thưa là nhờ vào các quý phụ huynh/mạnh thường quân có đóng góp tiền bạc, cải tạo cơ sở vật chất, sửa toilet, lắp mái che, trang bị TV, máy lạnh...v.v mới có mà dùng. Chứ ngân sách nhà nước nào bao hết được?
Không "xã hội hóa" thì vậy thôi, còn kêu gọi đóng thêm chút tiền cho con mình để nhà trường trang bị thêm thì nhiều phụ huynh lên mạng kêu gào. Với lại mình học giỏi là do kiến thức thầy cô, năng lực học sinh chứ đâu phải do cái bàn, cái ghế", một người nói.
Ở giữa hai luồng ý kiến trái chiều, vẫn có nhiều phụ huynh chọn cách nhìn nhận tình huống một cách khách quan. Họ cho rằng lo lắng của người mẹ là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Việc con phải học lớp tạm thiếu ánh sáng, hay phải di chuyển nhiều nơi theo tiến độ thi công trường là điều gây bất tiện và ảnh hưởng tới trải nghiệm học tập. Đặc biệt ở cấp tiểu học, độ tuổi mà học sinh rất dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh thì mong muốn có không gian học tập ổn định, thoải mái là điều chính đáng.
Tuy nhiên, họ cũng cho rằng cần xét đến hoàn cảnh cụ thể của nhà trường. Việc trường đang trong giai đoạn thi công khiến phải chia nhỏ lớp, học tạm, hoặc thiếu một số thiết bị là điều không thể tránh khỏi. Nếu trường thiếu phòng học mà không nhận học sinh thì sẽ lại bị nói là 'thiếu trách nhiệm'. Còn nếu nhận đông mà thiếu điều kiện thì lại bị phàn nàn. Phụ huynh nên có cái nhìn tổng thể hơn.
Một người khác chia sẻ góc nhìn nhẹ nhàng hơn: "Mình từng chứng kiến thầy cô cố gắng rất nhiều để xoay xở trong lúc trường sửa. Họ tự dọn lớp, xin thiết bị cũ từ chỗ này, mượn cái kia, rồi vận động phụ huynh cùng cải thiện. Không hoàn hảo, nhưng có tâm".
Dù mỗi người có góc nhìn khác nhau, điểm chung lớn nhất có lẽ là: ai cũng muốn con mình được học trong điều kiện tốt nhất. Nhưng trong một hệ thống giáo dục còn nhiều điều cần cải thiện, sự thấu hiểu và hợp tác giữa nhà trường và phụ huynh vẫn là yếu tố cốt lõi để từng bước nâng cao chất lượng.
Có thể bài viết của người mẹ là tiếng lòng chân thực trong một phút mỏi mệt, nhưng cũng cần đặt trong bối cảnh rộng hơn, nơi ngân sách chưa thể "bao trọn gói" và nơi mỗi đóng góp nhỏ từ phụ huynh đều là cách cùng nhau xây nên mái trường cho con cái.
Email: