Xã hội

Dự án 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: 2000 người làm ngày đêm và hàng loạt cuộc thị sát của lãnh đạo Chính phủ

Thứ tư, ngày 18/10/2023 07:00 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Khi kiểm tra tiến độ thi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh phải có "tổng công trình sư" cho cả dự án.

Cần "tổng công trình sư" chỉ đạo 2.000 công nhân đang làm việc ngày đêm

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi kiểm tra tiến độ thi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và làm việc với chủ đầu tư, các bộ, ngành, địa phương ngày 16/10. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình thế kỷ, có quy mô rất lớn, tính chất phức tạp, yêu cầu rất cao về chất lượng, công nghệ. 

"Đây là giai đoạn rất quan trọng khi nhiều dự án thành phần của Cảng hàng không quốc tế Long Thành được triển khai đồng loạt, vì vậy, phải có "tổng công trình sư" chịu trách nhiệm xác định tiến độ tổng thể cũng như kết nối, phối hợp giữa các dự án, hạng mục thành phần", Phó Thủ tướng nói.

Dự án 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: 2000 người làm ngày đêm và hàng loạt cuộc thị sát của lãnh đạo Chính phủ - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra tiến độ thi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, mở ra không gian phát triển mới với "hệ sinh thái kinh tế hàng không", tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Báo cáo của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đến nay các hạng mục chính như nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn và hệ thống giao thông kết nối đã được lần lượt khởi công trong tháng 7 và tháng 8/2023. Hiện, các nhà thầu đang khẩn trương huy động, tập kết máy móc, nhân lực theo bảng tiến độ thi công chi tiết.

Toàn bộ công trường có hơn 2.000 cán bộ, chuyên gia giám sát, chỉ huy trưởng, cán bộ thi công, nhân viên, công nhân và các trang thiết bị máy móc để tập trung thi công 4 gói thầu chính: San nền thoát nước; nhà ga hành khách; khu bay đường cất hạ cánh, đường lăn sân đỗ máy bay; giao thông kết nối.

Dự án 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: 2000 người làm ngày đêm và hàng loạt cuộc thị sát của lãnh đạo Chính phủ - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo về gói thầu thi công, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Các công tác phụ trợ như xây dựng nhà điều hành công trường, phòng thí nghiệm, khu tập kết nguyên vật liệu, lắp đặt cẩu tháp... chuẩn bị máy móc thiết bị và các khâu thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng biện pháp tổ chức thi công chi tiết từng cấu kiện, từng hạng mục được triển khai khẩn trương, với tinh thần "bản vẽ đến đâu thi công đến đấy".

Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được phê duyệt đầu tư xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, được xây dựng trên diện tích 5.000 ha.

Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,06 tỷ USD, áp dụng tỷ giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Dự án 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: 2000 người làm ngày đêm và hàng loạt cuộc thị sát của lãnh đạo Chính phủ - Ảnh 3.

Phối cảnh sân bay Long Thành.

Hàng loạt chuyến thị sát của lãnh đạo Chính phủ tới công trình 16 tỷ USD

Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân ta hết sức quan tâm, kỳ vọng đến dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vì vậy, các chuyến thị sát của lãnh đạo Chính phủ diễn ra liên tục.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV Lại Xuân Thanh, để công trình hội tụ đầy đủ các điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật, trước hết là nhờ sự khuyến khích, động viên, sự chỉ đạo, đôn đốc sát sao, quyết liệt, liên tục của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước, các bộ, ban ngành Trung ương.

Ông Lại Xuân Thanh nhắc lại việc Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM, nhiều đồng chí Bộ trưởng đã thị sát, tổ chức họp trực tiếp tại công trường, quyết định những vấn đề mang tính chiến lược, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án, kể cả những vướng mắc cụ thể.

Tháng 1/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra hiện trường dự án sân bay quốc tế Long Thành. Tại buổi kiểm tra, Thủ tướng bày tỏ sự thất vọng khi “cách đây 1 năm, tôi đã kiểm tra tình hình triển khai dự án và có các chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc, khó khăn, song trên thực tế, sự biến chuyển vẫn chưa như mong muốn”.

Không chỉ quan tâm đến tiến độ dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn trực tiếp đi thăm người dân khu tái định cư tại xã Lộc An, huyện Long Thành và tận mắt thấy dự án trường tiểu học đang xây dựng nhưng đã dừng thi công… Lắng nghe và hỏi kỹ người dân về nơi ở mới, Thủ tướng bày tỏ sự chưa hài lòng về công tác tái định cư.

Dự án 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: 2000 người làm ngày đêm và hàng loạt cuộc thị sát của lãnh đạo Chính phủ - Ảnh 4.

Thủ tướng thị sát công trường xây dựng và trao đổi chủ đầu tư, đơn vị thi công tháng 1/2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau chuyến thị sát, Thủ tướng nêu rõ 3 nhóm công việc cần tập trung giải quyết: 

Thứ nhất, về giải phóng mặt bằng, tỉnh Đồng Nai tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Thứ hai, về 4 dự án thành phần xây lắp sân bay Long Thành, Thủ tướng nhấn mạnh dự án thành phần số 2 và số 3 có ý nghĩa quyết định, đã bố trí được ngân sách, vấn đề lớn nhất là phối hợp, tổ chức thực hiện.

Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu lập Tổ công tác của Chính phủ để đôn đốc, kiểm tra, khớp nối các công việc; giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng với sự tham gia của lãnh đạo các bộ.

Tháng 3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Chính phủ và các bộ ngành, đơn vị liên quan đã kiểm tra tiến độ dự án sân bay Long Thành.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, tuy nhiên do nguyên nhân khách quan, chủ quan, chưa làm rõ hết trách nhiệm bộ, ngành, đơn vị liên quan nên tiến độ thực hiện chưa đạt được mục tiêu đề ra như giải phóng mặt bằng, đấu thầu các dự án thành phần…

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Nai giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng; Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ACV phải có báo cáo toàn diện về việc triển khai toàn bộ dự án cảng, các dự án thành phần…, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan; trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, đơn vị liên quan đối với những bất cập, vướng mắc, khó khăn hiện nay.

Tháng 4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Công điện nêu rõ: Cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của các chủ thể liên quan, xử lý theo quy định của Đảng và Nhà nước, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án theo mục tiêu đã được giao.

Dự án 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: 2000 người làm ngày đêm và hàng loạt cuộc thị sát của lãnh đạo Chính phủ - Ảnh 5.

Công trường sân bay Long Thành. Ảnh: Người lao động

Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư các dự án thành phần, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan rà soát, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao làm chậm tiến độ Dự án gây lãng phí nguồn lực.

Tháng 8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự lễ khởi công đồng loạt 3 gói thầu quan trọng với tổng mức đầu tư khoảng 53.000 tỷ đồng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. 

Dự án 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam: 2000 người làm ngày đêm và hàng loạt cuộc thị sát của lãnh đạo Chính phủ - Ảnh 6.

Thủ tướng tặng quà cho cán bộ, người lao động trên công trường dự án tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tháng 8/2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh 6 yêu cầu các chủ thể tham gia triển khai dự án phải nghiêm túc quán triệt là: Thứ nhất, bảo đảm tiến độ và phấn đấu vượt tiến độ; thứ hai, phải nâng cao chất lượng; thứ ba, không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; thứ tư, phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường; thứ năm, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; thứ sáu, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, nâng cao phẩm chất và trình độ, nâng lực của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị nói chung.

"Dứt khoát không để tình trạng kéo dài, chậm tiến độ và chưa rõ hướng xử lý khả thi, hiệu quả như vừa qua" - một trong những chỉ đạo quan trọng được Thủ tướng Chính phủ đưa ra thể hiện sự quyết tâm thực hiện "siêu dự án" Cảng hàng không quốc tế Long Thành.


Chia sẻ

T.Hà

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận