Giáo dục

Hỏi: "Lần bị bố mẹ đánh khiến bạn ám ảnh nhất?" - một người nói: Vì 35 nghìn, suốt đời tôi không bao giờ quên!

Thứ tư, ngày 16/04/2025 16:19 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Xin cảm ơn những ai đã đồng cảm, nhưng đừng khuyên tôi "hiếu thuận" hay "tha thứ".

Mới đây, trên một diễn đàn lớn của Trung Quốc xuất hiện câu hỏi: "Trường hợp bị bố mẹ đánh nào khiến bạn ám ảnh nhất?". Hàng trăm người chia sẻ những ký ức đau lòng, nhưng câu chuyện của một cư dân mạng với bút danh Hitomi Kitagawa đã khiến nhiều người rơi nước mắt. Bài viết dài, đầy chi tiết chân thực và phẫn uất, nhận được hàng nghìn lượt tương tác, chia sẻ.

Người đọc không khỏi bàng hoàng trước mức độ của những trận đòn roi, sự bất lực của một đứa trẻ bị đối xử như tội đồ, và sự phản kháng kịch liệt của cô gái ấy khi trưởng thành. 

Câu chuyện không chỉ là nỗi đau cá nhân, mà còn phơi bày sự độc hại của tư tưởng "yêu cho roi cho vọt", cùng sự vô cảm của những bậc cha mẹ chưa bao giời dám nhìn nhận lỗi lầm.

Hỏi: "Lần bị bố mẹ đánh khiến bạn ám ảnh nhất?" - một người nói: Vì 35 nghìn, suốt đời tôi không bao giờ quên!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Dưới đây là nguyên văn chia sẻ của tác giả:

Năm lớp hai, nhà tôi mất mười tệ (khoảng 35 nghìn đồng). Bố mẹ khẳng định là tôi ăn trộm, đánh mạnh tay, ép nhận tội. Họ bảo chị gái và anh trai tôi đều có tiền, chỉ có tôi là nghèo nên mới có khả năng trộm cắp. 

Tôi thực sự không lấy, tính lại ương bướng, vừa khóc vừa gào: "Con không lấy!". Họng tôi khản đặc, không thể thốt ra lời, người đầy vết roi. Thế nhưng, họ vẫn lột sạch quần áo tôi, đem ra giữa đường, bảo: "Không nhận thì cứ ở đấy cho thiên hạ biết là đứa ăn trộm!". 

May nhờ bác cả về kịp ngăn lại, nói tiền là bác lấy mua thuốc lá, sao lại đối xử tàn nhẫn thế? Họ chẳng hề xin lỗi, ngược lại còn trách tôi: "Không lấy sao không giải thích rõ ràng?". 

Vài ngày sau, nhà mất một trăm tệ, lần này là tôi lấy và xé nát ngay khi cầm trên tay. Khi bị tra hỏi, tôi thẳng thừng thừa nhận, đưa mảnh tiền vụn cho họ xem. Dĩ nhiên, trận đòn tiếp theo ập xuống. Bác cả lại can ngăn, hỏi sao tôi làm vậy. 

Tôi đáp: "Không thể bị đánh oan, đánh xong con sẽ tiếp tục trộm!". Bố mẹ điên tiết, bố đá mạnh vào bụng tôi, bác không ngăn nổi. Tôi bị tát tới tấp, họ gào: "Còn dám trộm nữa không?", tôi liên tục lặp lại: "Có, vẫn trộm!". Những gì sau đó tôi không nhớ nữa, cũng không biết ai đã ngăn họ.

Tôi giữ lời. Một thời gian sau, tôi lấy trộm năm mươi đồng, lại xé tan. Lần này, tôi bị đánh đến mức mắt sưng húp không mở nổi, đầu óc mơ màng. Bà nội khóc lóc đưa tôi vào viện. Trong bệnh viện, bố hỏi: "Còn trộm nữa không?", tôi đáp: "Có". Ông ấy lại lao vào đánh, bác sĩ quát: "Ông bị điên à?". 

Bác cả đến thăm, nói: "Cháu đã trộm hai lần, sao vẫn chưa chịu thôi?", tôi đáp: "Còn thiếu một lần". Bác giận dữ: "Sao cứng đầu thế!". Tôi im lặng. Sau khi xuất viện, tôi lén lấy hai trăm đồng vào ban đêm, dùng bật lửa đốt sạch. Lần này, không ai chất vấn hay đánh đập, như thể tiền chưa từng mất. Nhưng từ đó, họ chẳng buồn nói nửa lời tử tế với tôi.

Năm 2019 tốt nghiệp, tôi ở lại Tô Châu, chỉ về nhà vào dịp Tết. Năm 2021, bà nội qua đời, tôi ngừng về hẳn. Những năm sau, họ nhắn tin liên tục, hỏi thăm, rụt rè xin phép đến thăm. Tôi luôn từ chối. Mẹ khóc nói nhớ tôi, tôi đáp: "Con không nhớ mẹ". 

Đầu năm nay, bố gọi điện, hỏi có cần tiền không, muốn mua xe cho tôi. Tôi cúp máy. Mẹ gọi lúc nửa đêm khóc lóc: "Mẹ chỉ muốn gặp con thôi...". Tôi không nói thêm lời nào, cúp máy, chặn luôn số mẹ.

Hai ngày sau, bác cả gọi bảo tôi đừng quá nhẫn tâm, dù sao họ cũng là cha mẹ. Tôi hỏi: "Bác còn nhớ họ đã đánh con thế nào không?". Bác thở dài: "Thì biết làm sao giờ? Bắt họ đền đáp à?". Tôi lạnh lùng: "Không liên quan đến con". Bác tức giận: "Nói như thế là quá đáng!". Tôi bảo: "Không có gì thì con cúp máy đây". Sau đó, anh chị cũng gọi thuyết phục tôi về nhà dù chỉ một hai ngày. Tôi kiên quyết từ chối.

Tháng trước, họ vẫn tìm được địa chỉ nhà thuê của tôi. Tan làm, tôi thấy hai người đứng đợi dưới lầu, xách đầy đồ, mặt tươi cười. Tôi hỏi: "Đến làm gì?". Họ ấp úng: "Chỉ muốn gặp con...". Tôi quay đi: "Gặp rồi, về đi". Mẹ vội nói: "Để mẹ mang đồ lên cho con, toàn món con thích...". Tôi gắt: "Con không thích!". Bà tiếp tục năn nỉ. 

Tôi hét: "Đi ngay!", xong chạy lên lầu, bỏ mặc tiếng khóc của mẹ. Về phòng, tôi chui vào chăn khóc nấc. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh đứa trẻ bị vu oan, đánh đập, lột trần, ném giữa đường, bị người qua kẻ lại chỉ trỏ. Mãi mãi không quên. Mãi mãi cũng không tha thứ.

Trước sự quan tâm của cư dân mạng, tác giả sau đó phản hồi thêm:

Không ngờ câu chuyện u ám của tôi lại nhận được nhiều sự quan tâm thế này. Thật lòng cảm ơn mọi người vì những tin nhắn động viên, xin lỗi vì không thể phản hồi hết. Xin giải đáp một số thắc mắc:

Tôi là con gái duy nhất, anh chị là con bác cả. Hai nhà sống chung do hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ làm công nhân may, thu nhập chủ yếu trả nợ xây nhà. Bố mẹ có tính khí thất thường, hay trút giận lên tôi. Có lần tôi còn bị mẹ dùng kim khâu chích vào miệng vì tranh cãi cách phát âm tiếng Anh...

Thời trung học, mỗi tuần tôi chỉ được 10 tệ tiền ăn, bà nội lén cho thêm. Tôi nương tựa vào sách vở, nhưng sách lại bị bố mẹ bán đồng nát khi tôi đi vắng. Tôi thi đậu Đại học Nam Kinh, bố mẹ tự hào khoe khoang nhờ "thành tích đánh con" mới nên người, tôi lạnh lùng đáp: "Oán hận".

Vào đại học tôi tự xoay sở bằng việc làm thêm, tích cóp 2 vạn tệ, sau tốt nghiệp ở lại Tô Châu làm việc. Năm 2020, xung đột nổ ra khi họ ép tôi thi công chức, tôi phản đối, bị đuổi khỏi nhà. Sau khi bà nội mất (2021), tôi cắt đứt liên lạc, chỉ gửi bác cả 2 vạn tệ/năm phụng dưỡng.

Xin cảm ơn những ai đã đồng cảm, nhưng đừng khuyên tôi "hiếu thuận" hay "tha thứ". Tôi ác độc, bất hiếu, xin hãy để tôi yên. Lòng tốt của các bạn xin dành cho việc khác, như hòa bình thế giới chẳng hạn - nếu điều ấy có thể.

Đây là 28 năm đời tôi.

Câu chuyện này đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Một số người cho rằng tác giả quá cực đoan, số khác lại khẳng định: "Không ai có quyền phán xét nỗi đau của người khác, nhất là khi họ đã sống sót qua địa ngục tuổi thơ như thế". Còn bạn, bạn nghĩ sao?

Chia sẻ

Bảo Tín

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận