Một chương trình truyền hình ở Trung Quốc mang tên"Nói với thế giới rằng con làm được" từng gây xúc động với câu chuyện về một cô bé 5 tuổi tên Thiên Tâm – "nạn nhân" điển hình của kỳ vọng giáo dục toàn diện đến mức cực đoan của người lớn.
Cô bé có khuôn mặt xinh xắn, đáng yêu nhưng lịch học hằng ngày lại kín mít từ sáng đến tối: Toán nhẩm, người mẫu, tiếng Anh, giáo dục sớm, trượt băng… Ngay cả thời gian chơi với bố cũng được tận dụng để "rèn luyện sự kiên nhẫn" bằng các trò chơi có chủ đích. Mẹ em – người đã sắp xếp tới 10 lớp học thêm, khẳng định: "Như vậy vẫn còn thiếu vì chưa học cờ, học đàn".

Ngay cả thời gian chơi với bố cũng được tận dụng để "rèn luyện sự kiên nhẫn" bằng các trò chơi có chủ đích.
Một ngày của Thiên Tâm bắt đầu bằng Toán nhẩm lúc 8 giờ 30 sáng. Mẹ liên tục giục: "Ngẩng đầu lên cho mẹ!", "còn 5 phút nữa là phải đi rồi!", "10 trừ 3 mà còn phải đếm ngón tay à con?". Khi con chưa làm xong bài, mẹ nhắc nhở: "Tối về phải làm tiếp, không thì không được ngủ." Cô bé gật đầu ngoan ngoãn, nhưng nét mặt lại trống rỗng, phản ánh một sự mỏi mệt không thể nói thành lời.
Kết thúc một ngày dài, trời đã tối mịt, hai mẹ con trở về nhà. Người mẹ vẫn không quên nhắc lại: "Con vẫn chưa làm xong Toán nhẩm hôm nay, về nhà nhớ làm tiếp nhé". Câu nói tưởng chừng đơn giản ấy đã làm sụp đổ toàn bộ mong chờ của một đứa trẻ về phút nghỉ ngơi hiếm hoi. Tuổi thơ của Thiên Tâm bị gói gọn trong các buổi học và những kỳ vọng "phát triển toàn diện". Nhưng ngay cả máy móc cũng có lúc cần được bảo dưỡng, huống hồ em chỉ là một đứa trẻ mới 5 tuổi.
Từ biểu cảm lãnh đạm, ánh mắt vô hồn của Thiên Tâm khi học hát, múa, đến sự lơ đãng lúc học ngoại ngữ, có thể thấy rõ rằng, em không hề hứng thú với bất kỳ hoạt động nào. Khi Thiên Tâm bước đi như người mẫu, mẹ cô bé đã nói "Cười lên nào, công chúa" bên cạnh, nhưng đứa trẻ vẫn tỏ vẻ mặt ngơ ngác và không hề thích thú chút nào.
Khi được hỏi thích lớp học nào nhất trong số các môn đang theo, câu trả lời là: "Không thích lớp nào hết. Con thích vẽ. Nhưng mẹ nói con vẽ xấu".

Một ngày của Thiên Tâm bắt đầu bằng toán nhẩm lúc 8 giờ 30 sáng.
Theo các chuyên gia giáo dục, cảm giác yêu thích là động lực nội tại mạnh mẽ nhất giúp trẻ duy trì niềm vui học tập. Việc học sẽ trở thành hành trình khám phá chứ không còn là gánh nặng khi trẻ được tự do lựa chọn điều mình yêu thích. Ngược lại, nếu học chỉ để đáp ứng kỳ vọng của người lớn, rất dễ hình thành sự phản kháng thụ động hoặc mất dần kết nối cảm xúc với cha mẹ.
Vạch xuất phát của con không phải là điểm số, mà là cha mẹ
Mẹ Thiên Tâm nói: "Chúng ta đang sống trong thời kỳ giáo dục bắt buộc, phải thi đại học, vào được trường tốt thì tương lai mới đỡ vất vả. Ai mà chẳng sợ con mình thua ngay từ vạch xuất phát?".
Câu "không thể thua ngay từ vạch xuất phát" quá quen thuộc, là tiếng lòng của biết bao phụ huynh. Xã hội bây giờ cạnh tranh khốc liệt, ai cũng quan tâm đến điểm số, thứ hạng, tương lai, cơ hội… Nhưng dần dần, quan niệm "phải thắng từ vạch xuất phát" đang dần phá vỡ mối quan hệ thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái.
Diễn viên Dương Tử – khách mời trong chương trình – cũng đã phải thốt lên khi thấy lịch học của con trai đồng nghiệp dày đặc hơn cả một ngày làm việc: "Nếu chị là đứa trẻ, bố mẹ bắt chị học suốt cả năm không ngơi nghỉ, chị có thấy stress không?".
Vậy đâu mới là vạch xuất phát quan trọng nhất của trẻ?
Vạch xuất phát của con không phải là điểm số – mà chính là cha mẹ.
Chương trình "Nói với thế giới rằng con làm được" còn có một phân đoạn đặc biệt mang tên "Cây biết nói", nơi trẻ được chia sẻ những điều giấu kín trong lòng.
– Con có thích mẹ ở nhà không?
– Không thích.
– Tại sao vậy?
– Vì mẹ mà ở nhà thì con không được chơi.
– Con thấy bố mẹ là người thế nào?
– Là người xấu.
– Vừa nãy con gọi mẹ là "mẹ giả", vậy mẹ thật của con đâu?
– Mẹ thật… mất rồi.

Câu trả lời ấy khiến người dẫn chương trình, các khách mời và chính mẹ của bé không cầm được nước mắt.
Câu trả lời ấy khiến người dẫn chương trình, các khách mời và chính mẹ của bé không cầm được nước mắt. Bởi trong suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ, người mẹ ân cần, dịu dàng, thấu hiểu – "mẹ thật" – đã bị thay thế bởi một người chỉ biết ép học, thúc giục, kiểm soát – một "mẹ giả" không còn khiến con cảm thấy yêu thương hay an toàn.
Một khách mời khác cũng nói: "Tất cả những nỗ lực ấy, thực chất là cái bẫy do chính cha mẹ mình tạo ra". Và cái "bẫy" ấy, chính là sự rạn nứt trong quan hệ cha mẹ – con cái.
Cha mẹ nghĩ rằng mình đang dốc hết sức để con giỏi giang hơn người, nhưng lại vô tình đè nặng lên đôi vai bé nhỏ ấy một thứ áp lực khủng khiếp. Và chính áp lực đó đã khiến con phải thốt lên câu đau lòng: "Mẹ thật của con đã mất rồi".
Một mối quan hệ cha mẹ – con cái tốt đẹp là sự đồng hành kiên định, dịu dàng và quan tâm dài lâu. Hãy nhớ rằng: Mối quan hệ ấy luôn đi trước giáo dục. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm dạy dỗ, ép buộc, bắt học, bắt giỏi… thì chính lúc ấy, trong lòng con, hình ảnh người cha – người mẹ mà con yêu thương có thể đã "biến mất".
Không có phương pháp giáo dục nào hoàn hảo cho mọi đứa trẻ. Mỗi em nhỏ là một thế giới riêng, và điều quan trọng nhất với cha mẹ không phải là ép con học giỏi hơn người, mà là hiểu con, chấp nhận con và đi cùng con một cách bình yên nhất.
Email: