Giáo dục

Nêu đề xuất cho kỳ thi lớp 10, một bà mẹ khiến hội phụ huynh hốt hoảng: Xin chị, Hà Nội đủ quá tải rồi!

Thứ hai, ngày 26/05/2025 14:39 GMT+7
Chia sẻ In bài viết

Chia sẻ của phụ huynh này ngay lập tức nhận phải "cơn mưa" phản đối từ các bậc phụ huynh khác.

Kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội luôn được xem là một trong những kỳ thi căng thẳng nhất, bởi độ cạnh tranh cực cao. Theo số liệu thống kê, năm 2023, gần 105.000 học sinh thi vào lớp 10, nhưng chỉ khoảng 72.000 em có chỗ. 33.000 em dù có thể học tốt vẫn bị loại.

Đến năm 2025, số học sinh tốt nghiệp THCS tăng lên 127.000, trong đó chỉ 79.000 em được vào THPT công lập. Nghĩa là 48.000 em phải tìm đến trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc thậm chí đi học nghề.

Chính vì vậy, cứ đến gần kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội là các bậc phụ huynh lại kêu gọi cải cách để giảm tải áp lực, tăng cơ hội cho học sinh đỗ công lập, chẳng hạn như kêu gọi bỏ kỳ thi lớp 10, xây thêm trường công, hay cho phép học sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết tỷ lệ chọi các trường,...

Mới đây, trong một hội nhóm phụ huynh Hà Nội có tới hơn 340 nghìn thành viên, một phụ huynh bất ngờ có chia sẻ nhận về nhiều ý kiến tranh cãi. Cụ thể, phụ huynh này đề xuất về việc "Bỏ việc phải có hộ khẩu ở Hà Nội mới được thi vào công lập ở Hà Nội".

Nêu đề xuất cho kỳ thi lớp 10, một bà mẹ khiến hội phụ huynh hốt hoảng: Xin chị, Hà Nội đủ quá tải rồi!- Ảnh 1.

Ý kiến gây tranh cãi của phụ huynh

Theo phụ huynh, việc này sẽ giúp các học sinh giỏi ở tỉnh có thể lên Hà Nội học các trường như Kim Liên, Việt Đức, Thăng Long, Lê Quý Đôn. "Như thế tỉ lệ chọi các trường top 2, 3 sẽ cao hơn và dễ lọc được các học sinh giỏi thật ạ. Em thấy ý tưởng đấy có vẻ hay ạ và nó cũng giống sự chuẩn bị cho kì thi đại học", phụ huynh này viết thêm.

"Các tỉnh thiếu gì trường giỏi? Hà Nội đã đủ quá tải rồi!"

Chia sẻ của phụ huynh này ngay lập tức nhận phải "cơn mưa" phản đối từ các bậc phụ huynh khác. Một phụ huynh cho rằng: Tại sao học sinh ở tỉnh phải lên Hà Nội, trong khi các tỉnh cũng không thiếu trường giỏi. Nhiều trường chuyên ở tỉnh hiện nay được đầu tư cơ sở vật chất vô cùng xịn sò, chẳng hạn như THPT chuyên Bắc Ninh,...

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, năm nào cũng có rất nhiều thủ khoa, á khoa đến từ các tỉnh, thậm chí có năm vượt cả Hà Nội. Học sinh ở tỉnh cũng nhận học bổng từ các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, Anh, Úc,... đâu thua kém ai.

Một phụ huynh khác thì bình luận: "Hà Nội chưa đủ quá tải hay sao mà học sinh từ tỉnh khác còn lên Hà Nội thi nữa? Cái Hà Nội đang thiếu là trường, không phải là số học sinh đăng ký vào kỳ thi cấp 3 công lập".

Theo phụ huynh, việc “đổ xô” ra Hà Nội học không phải vì chất lượng giáo dục ở tỉnh kém, mà là do tâm lý chuộng “thương hiệu”, hoặc nghĩ rằng học ở Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội hơn – điều đó chưa chắc đúng với tất cả mọi người.

Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có những ý kiến đồng tình, mong muốn bỏ hộ khẩu khi thi vào cấp 3 công lập Hà Nội đến từ một bộ phận phụ huynh đặc biệt.

Một bà mẹ cho hay, vì lý do cá nhân nên gia đình chị chuyển lên Hà Nội sinh sống. Sang năm con trai vào lớp 10, chị muốn cho con vào trường công lập nhưng theo quy định tuyển sinh hiện tại của Hà Nội thì để thi lớp 10 công lập ở Hà Nội thì học sinh (hoặc bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của học sinh) có nơi thường trú tại Hà Nội.

"Nếu con cái được học trường công lập thì những người làm việc ở Hà Nội như mình sẽ đỡ được rất nhiều gánh nặng tài chính", bà mẹ nói thêm.

Hiện, đề xuất vẫn vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều. Còn bạn, bạn nghĩ sao về việc này?

Tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động thủ đô năm 2023, anh Nguyễn Quang Đông, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, cho rằng do nhu cầu phát triển kinh tế nên Hà Nội cần rất nhiều lao động từ các tỉnh, thành khác. Khi người lao động ngoại tỉnh về Hà Nội làm việc và tạm trú tại các quận, huyện, họ lập gia đình rồi con cái được sinh ra và lớn lên tại nơi tạm trú. Các cháu được các trường công lập trên địa bàn tiếp nhận học từ mẫu giáo, tiểu học đến hết THCS.

Tuy nhiên, khi thi vào THPT, con em người lao động không được đăng ký thi và học các trường công lập của thành phố mà chỉ được học dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội hoặc phải gửi về quê để học tập.

Anh Nguyễn Quang Đông cho rằng, đây là sự phân biệt, đối xử không được công bằng trong các nhóm lao động của thành phố và đề xuất thành phố xem xét để con em cán bộ, công nhân trong khu công nghiệp không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội vẫn được dự thi vào các trường THPT công lập.

Trước đề xuất này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khi ấy (hiện ông Phạm Xuân Tiến đã nghỉ hưu) cho rằng, đề xuất con em cán bộ, công nhân trong khu công nghiệp không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội vẫn được dự thi vào các trường THPT công lập là hoàn toàn hợp lý.

"Vì chúng ta sinh sống và làm việc trên địa bàn, cống hiến, được coi như là công dân thủ đô, có quyền bình đẳng. Tôi cho rằng ý kiến này rất hợp lý và tôi sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố để có thay đổi trong thời gian tới", ông Phạm Xuân Tiến nói.

Chia sẻ

Minh Châu

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận