Gần đây, thông tin băng vệ sinh bị phanh phui về chiều dài thực tế không đúng với thông số được ghi trên bao bì đã gây ra nhiều tranh luận sôi nổi, bởi vì trong số đó có không ít thương hiệu nổi tiếng.
Nhà cung cấp nguyên liệu: Để tránh "ăn bớt" nên nâng cao hoặc chi tiết hóa tiêu chuẩn
Làn sóng tranh cãi về băng vệ sinh bắt đầu khi một số phương tiện truyền thông và blogger tự do đã lần lượt đo chiều dài của nhiều loại băng vệ sinh. Kết quả cho thấy, so với chiều dài được ghi trên bao bì, có hiện tượng "ăn bớt". Ngoài ra, các nội dung như "băng vệ sinh giá sập sàn", "băng vệ sinh y tế", "thực nghiệm 24 loại băng vệ sinh" cũng lọt top tìm kiếm nóng trên Weibo.
Theo tiêu chuẩn quốc gia về băng vệ sinh (miếng lót) của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 7/2019, độ lệch chiều dài cho phép theo quy định đối với băng vệ sinh là “±4%”, nhưng sau khi đo thực tế, hầu hết các loại băng vệ sinh đều nằm trong khoảng “-4%”, hiếm có loại nào dài hơn chiều dài được ghi trên bao bì. Cư dân mạng cho rằng các hãng sản xuất băng vệ sinh đã lợi dụng quy định để chèn ép người tiêu dùng.
Cô Quách (làm việc tại Bắc Kinh) chia sẻ với Red Star News: "Thông thường, chiều dài của băng vệ sinh sẽ được ghi ở vị trí dễ thấy trên bao bì bên ngoài, tôi thường mua băng vệ sinh có độ dài lớn hơn một chút, dùng sẽ an tâm hơn. Bình thường cũng không ai thực sự đi đo chiều dài của băng vệ sinh cả, nhà sản xuất ghi bao nhiêu thì tin là bấy nhiêu, sẽ không quá câu nệ lấy thước ra đo".
Người phụ trách một doanh nghiệp cung cấp vật liệu lót cho các cơ sở sản xuất băng vệ sinh ở Chiết Giang (Trung Quốc) cho biết, ngoại trừ một số rất ít thương hiệu hoặc sản phẩm cao cấp, lợi nhuận của các sản phẩm hàng ngày như băng vệ sinh, giấy vệ sinh đều cần phải dựa vào "số lượng" để hoàn thành. Vị này nói thêm: "Ngắn hơn vài mm, dài hơn vài mm nhìn tưởng chừng không đáng kể, nhưng nếu số lượng rất lớn thì đó không phải là con số nhỏ.
Người này cũng cho rằng, để tránh chiều dài băng vệ sinh bị rút ngắn, biện pháp tốt nhất là nâng cao hoặc chi tiết hóa tiêu chuẩn toàn quốc. Ông cho biết: "Thực ra việc đặt giá trị hơn kém cho chiều dài băng vệ sinh cũng có thể hiểu được, bởi vì nguyên liệu trong quá trình được gia công thành băng vệ sinh sẽ có những thay đổi nhất định do bị ép, thay đổi độ dày, nhưng có thể thu hẹp giá trị dương và âm, hoặc giá trị âm nhỏ hơn một chút, giá trị dương lớn hơn một chút".
Ngoài độ lệch chiều dài, băng vệ sinh phải đáp ứng tiêu chuẩn về độ pH
Theo tiêu chuẩn quốc gia hiện hành về băng vệ sinh (miếng lót) của Trung Quốc, ngoài chỉ số độ lệch chiều dài, còn quy định cả độ pH. Trong đó, yêu cầu giá trị pH nằm trong khoảng từ 4.0 đến 9.0. Về vấn đề này, cũng có cư dân mạng đặt câu hỏi về việc phạm vi thiết lập giá trị này quá lớn.
Theo thông tin được đăng tải trên trang web của Cục Quản lý Thị trường tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vào ngày 11/11, Hiệp hội Người tiêu dùng tỉnh Vân Nam đã tiến hành thử nghiệm so sánh, trong đó bao gồm cả sản phẩm băng vệ sinh. Sau khi thử nghiệm, 10 loại băng vệ sinh tham gia đều cho thấy giá trị pH tổng thể rất tốt. Bài đánh giá này cho rằng, giá trị pH của băng vệ sinh là chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ kích ứng da vùng kín của phụ nữ.
Theo "quốc tiêu" và các quy định liên quan, giá trị pH của băng vệ sinh (bao gồm cả miếng lót) phải nằm trong khoảng từ 4.0 đến 9.0. Giá trị pH trong phạm vi này được coi là tương đối trung tính hoặc gần với độ pH tự nhiên của vùng kín phụ nữ, do đó có thể giảm kích ứng và khó chịu cho da. Kết quả cho thấy, phạm vi giá trị pH của 10 mẫu kiểm đều nằm trong khoảng từ 5.7 đến 6.2.
Một số chuyên gia trong ngành nói với Red Star News, khi sản xuất băng vệ sinh, cần tuân thủ cả quy định về quy cách sản phẩm và tiêu chuẩn vệ sinh, cả hai thông tin này đều phải được ghi rõ trên bao bì.
Điều đáng chú ý là vào tháng 6 năm nay, Tổng cục Quản lý Thị trường Quốc gia (Ủy ban Quản lý Tiêu chuẩn hóa Quốc gia) đã ban hành "Yêu cầu vệ sinh cho các sản phẩm dùng một lần" phiên bản mới. Tiêu chuẩn này sẽ chính thức được thực thi vào ngày 1/7 năm sau.
Một số nền tảng bán băng vệ sinh “hàng tồn” 10 tệ 100 miếng
Tuy nhiên, hiện nay trên không ít nền tảng mua sắm trực tuyến, có shop đang bán loại băng vệ sinh được gọi là “hàng tồn”, “hàng loại hai”, trong đó một số shop không thể đưa ra thông tin liên quan của sản phẩm, trên bao bì cũng không ghi rõ doanh nghiệp sản xuất và tiêu chuẩn thực hiện.
Khi tìm kiếm các từ khóa như "băng vệ sinh hàng tồn", "băng vệ sinh hàng loại hai" trên một nền tảng mua sắm, có rất nhiều thông tin sản phẩm xuất hiện, rất nhiều shop đưa ra các dòng quảng cáo như "mua 50 tặng 50", "4 tệ một gói lớn".
Phóng viên của tờ Red Star News đã liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng của một shop, lấy ví dụ gói 100 miếng, 245 mm, băng vệ sinh do shop này bán chỉ có giá 10,44 tệ (khoảng 36 nghìn đồng). Nhân viên chăm sóc khách hàng này cho biết, sản phẩm họ bán là do "nhiều nhà máy gia công cung cấp trực tiếp", không thể cung cấp thông tin sản phẩm trực tuyến mà được đặt trong túi dưới dạng thẻ. Từ hình ảnh của rất nhiều người mua, không có nội dung thông tin sản phẩm nào được in trên bao bì.
Trong một shop khác, loại băng vệ sinh ban đêm dài 350 mm, gói 100 miếng có giá 24,52 tệ (86 nghìn đồng), trong phần giới thiệu sản phẩm có ghi dòng chữ "hàng chính hãng lỗi nhỏ". Phóng viên của Red Star News đã hỏi nhân viên chăm sóc khách hàng của shop này về thông tin nhà sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn..., nhân viên chăm sóc khách hàng chỉ trả lời bằng một biểu tượng cảm xúc.
Nhiều người chọn băng vệ sinh y tế để thay thế
Sau khi các chủ đề liên quan đến băng vệ sinh được quan tâm, có cư dân mạng cho rằng nếu không yên tâm về hầu hết các sản phẩm băng vệ sinh hiện có trên thị trường thì có thể lựa chọn băng vệ sinh y tế có tiêu chuẩn sản xuất cao hơn.
Bác sĩ Hầu, từ khoa Sản tại một bệnh viện hạng ba ở Bắc Kinh (Trung Quốc), nói với Red Star News rằng băng vệ sinh y tế thực hiện theo tiêu chuẩn sản xuất cao hơn. Bà cho biết: "Một số phụ nữ mang thai hoặc những người đã phẫu thuật cần sử dụng băng vệ sinh y tế. So với loại thông thường, băng vệ sinh y tế đã được khử trùng nghiêm ngặt hơn, đã qua xử lý vô trùng."
Đáng nói là băng vệ sinh y tế cũng được bán tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử với nội dung quảng cáo = là "số đăng ký thiết bị y tế". Giá mỗi miếng băng vệ sinh y tế loại dùng ban ngày hơn 1 tệ (hơn 3500 đồng), loại dùng ban đêm mỗi miếng hơn 2 tệ (hơn 7000 đồng).
Theo bác sĩ Hầu, đối với đại đa số phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt, không cần thiết phải chọn băng vệ sinh y tế, chỉ cần là sản phẩm đạt chuẩn là có thể đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Bác sĩ Hầu nói: "Băng vệ sinh y tế thường được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như sau phẫu thuật, sau sinh, loại băng vệ sinh này có giá tương đối đắt, vẫn nên quyết định tùy theo điều kiện của bản thân".
Bác sĩ Hầu nhắc nhở nên tránh sử dụng băng vệ sinh không có thông tin sản phẩm. Theo bà, loại sản phẩm này không được đảm bảo, dễ tồn tại nguy cơ mất an toàn vệ sinh. Bà cho rằng, nhìn chung, vẫn cần các cơ quan quản lý thực hiện công việc và quy định chi tiết hơn về giám sát sản xuất, xây dựng tiêu chuẩn.
"Quốc tiêu" mới đang được soạn thảo, có doanh nghiệp sản xuất tham gia
Theo thông tin trên Nền tảng Dịch vụ Công cộng Thông tin Tiêu chuẩn Quốc gia cho thấy, "quốc tiêu" mới đối với mặt hàng "Băng vệ sinh (miếng lót)" đang trong quá trình soạn thảo, ngày bắt đầu là 28/6 năm nay, thời gian thực hiện dự án là 16 tháng. Cơ quan chủ quản công việc này là Liên hiệp Công nghiệp nhẹ Trung Quốc. Điều đáng chú ý là trong số các đơn vị tham gia soạn thảo tiêu chuẩn, có cả các doanh nghiệp sản xuất băng vệ sinh.
Theo Sohu, Red Star News
Email: