Trên các hội nhóm, mạng xã hội gia đình, nhiều thông tin cảnh báo đang được chia sẻ: "Đồ chơi nhựa chứa chất chống cháy gây ung thư", "Chảo chống dính làm tăng nguy cơ rối loạn nội tiết", hay "Trẻ em lớn sớm do tiếp xúc chất độc trong đồ nhựa".
Đồ chơi bằng nhựa không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nguy cơ dậy thì sớm
Không phải không có cơ sở! Nhiều nghiên cứu đã chứng minh các chất phụ gia trong nhựa không rõ nguồn gốc, bao gồm chất hóa dẻo (phthalate), bisphenol A (BPA), chất chống cháy, hay PFAS, đều có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, phát triển và nội tiết.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định: "Các phụ gia như BPA hay phthalate là những hóa chất gây rối loạn nội tiết, có thể xâm nhập vào cơ thể qua ăn uống, hô hấp và tiếp xúc da. Nguy hiểm nhất là khi chúng tác động đến trẻ nhỏ - đối tượng có hệ nội tiết và miễn dịch chưa hoàn thiện".

Ảnh minh họa
Không giống như polymer, thành phần chính tạo nên nhựa, các phụ gia này không liên kết hóa học chặt chẽ mà tồn tại "tự do" trong vật liệu, dễ dàng rò rỉ ra môi trường dưới tác động của nhiệt, dầu mỡ hoặc lão hóa vật liệu.
Những hóa chất có thể có trong đồ chơi bằng nhựa gây dậy thì sớm
Bisphenol A (BPA): Thường có trong bình sữa, hộp nhựa, đồ dùng ăn uống, thậm chí cả lớp phủ bên trong hộp sữa và thực phẩm. BPA là chất gây rối loạn nội tiết điển hình, có khả năng bắt chước hormone estrogen, từ đó ảnh hưởng đến dậy thì, phát triển sinh dục và chất lượng tinh trùng, trứng.
Chất hóa dẻo (phthalate): Giúp nhựa mềm và dẻo hơn, thường có trong đồ chơi nhựa, màng bọc thực phẩm, ống truyền dịch, vật liệu học đường. Phthalate được chứng minh là gây rối loạn nội tiết, giảm testosterone ở bé trai, ảnh hưởng đến phát triển thần kinh và nguy cơ béo phì, tiểu đường.

Ảnh minh họa
Chất chống cháy: Như PBDE, được thêm vào đồ điện tử, nệm, ghế xe hơi, thậm chí cả đồ chơi. Trẻ em tiếp xúc nhiều do cầm, ngậm, chơi với tay bẩn. PBDE tích tụ trong cơ thể, ảnh hưởng tuyến giáp, não bộ và có thể gây ung thư.
PFAS: Nhóm chất cực kỳ bền vững, có trong bao bì chống thấm dầu, lớp phủ chống dính và tã lót trẻ em. PFAS ảnh hưởng đến gan, hệ sinh sản và gây tích tụ lâu dài trong cơ thể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều cơ quan quốc tế đã kêu gọi loại bỏ dần PFAS khỏi chuỗi cung ứng.
Những nguy cơ "ẩn hình" từ đồ chơi và sản phẩm trẻ em làm bằng nhựa không đảm bảo uy tín
Nghiên cứu của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam từng phát hiện, phthalate vượt ngưỡng an toàn trong nhiều mẫu đồ chơi nhựa trẻ em trên thị trường nội địa. Không chỉ đồ chơi, các vật dụng như hộp cơm nhựa, bình nước, bảng học thông minh... nếu sản xuất không kiểm soát cũng tiềm ẩn rủi ro tương tự.
BS Trần Lan Anh (chuyên gia nội tiết nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương) cảnh báo: "Chúng tôi ghi nhận nhiều ca dậy thì sớm ở trẻ gái dưới 7 tuổi có liên quan đến yếu tố môi trường. Ngoài thực phẩm, tiếp xúc với các chất gây rối loạn nội tiết trong đồ nhựa, mỹ phẩm và đồ chơi là nguyên nhân ngày càng đáng lo ngại".
Thay vì hoang mang, cha mẹ có thể thực hiện những bước đơn giản để bảo vệ con khỏi rủi ro:

Ảnh minh họa
- Kiểm tra nhãn mác sản phẩm: Ưu tiên đồ chơi, đồ dùng có chứng nhận an toàn (như EN71, CE, hoặc các tiêu chuẩn quốc tế khác). Tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc.
- Tránh dùng đồ nhựa khi nóng: Không đựng thực phẩm nóng, dầu mỡ trong hộp nhựa thông thường. Hạn chế dùng màng bọc thực phẩm PVC trong lò vi sóng.
- Ưu tiên vật liệu thay thế: Dùng bình thủy tinh, thép không gỉ thay cho chai nhựa. Chọn đồ chơi bằng gỗ tự nhiên, vải không nhuộm độc hại, đặc biệt cho trẻ dưới 3 tuổi.
- Hạn chế tái sử dụng đồ nhựa cũ: Nhựa đã bị xước, đổi màu, đặc biệt là hộp nhựa số 7 (PC - có thể chứa BPA), nên được thay thế.
- Vệ sinh tay thường xuyên cho trẻ, đặc biệt sau khi chơi đồ chơi hoặc tiếp xúc với thiết bị điện tử. Đây là cách hiệu quả để giảm tiếp xúc với chất độc qua da và đường miệng.
Dù phụ huynh có cố gắng đến đâu, sự hiện diện của các chất gây rối loạn nội tiết trong sản phẩm tiêu dùng vẫn là một mối đe dọa lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của nhà quản lý. Nhiều quốc gia đã cấm hoặc hạn chế BPA, phthalate và PBDE trong đồ chơi trẻ em. Việt Nam cần có khung pháp lý rõ ràng hơn để giám sát chất lượng nhựa, đặc biệt là trong các sản phẩm dành cho trẻ.
(Ảnh minh họa: Internet)
Email: