Nợ càng nhiều thì áp lực càng lớn, đó là điều chắc chắn ai cũng biết. Nhưng có lẽ chúng ta không nên đánh đồng mọi khoản nợ đều là "nợ xấu'.
Nợ vay mua nhà - mua đất, nợ do kinh doanh chưa thành công,... hay nói cách khác là những khoản nợ không phải do chi tiêu vô tội vạ, ăn chơi quá trớn, có thể coi là "nợ tốt". Vì trả xong nợ là có thêm tài sản hoặc bài học. Tuy nhiên không phải ai cũng có những lý do chính đáng như vậy.
Tâm sự có phần bế tắc của người chồng trong câu chuyện dưới đây, tiếc thay, lại là một hoàn cảnh nợ nần vì những lý do "trời ơi đất hỡi". Đặc biệt, tất cả đều là nợ do vợ gây ra, chỉ đến lúc vỡ nợ, người chồng mới được biết...
"Lấy sai vợ là mất tất cả đúng không mọi người?"
Tình hình của gia đình này có thể tóm tắt như sau: Kết hôn được 2 năm, chưa có con, đã mua nhà 2,2 tỷ đồng. Trong đó, bố mẹ chồng cho 1,1 tỷ đồng. Phần còn lại 2 vợ chồng tự vay ngân hàng và người chồng là người chịu trách nhiệm trả khoản nợ 10 triệu/tháng tiền vay mua nhà. Số tiền này được tự động khấu trừ trực tiếp vào tiền lương của người chồng. Bên cạnh đó, anh cũng là người lo chi phí sinh hoạt, điện nước còn vợ lo phần chi phí ăn uống.

Ảnh minh họa
Trong 2 năm chung sống, người vợ đã nhiều lần báo nợ. Lần đầu tiên là lấy hết 80 triệu tiền mừng cưới đi trả nợ từ thời còn độc thân. Lần thứ 2 là khoản nợ app tín dụng trị giá 160 triệu đồng. Lần thứ 3 là khoản nợ 300 triệu vay mượn bạn bè do "bị lừa làm nhiệm vụ trên mạng".
Mỗi lần báo nợ, người vợ đều hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa, nhưng sau 3 lần nhận tin vợ mang nợ về nhà, toàn bộ niềm tin của người chồng đã vỡ vụn hoàn toàn.
"Vợ em trông khá hiền lành nhưng sống chung mới biết vợ có tính ỷ lại và gian dối. Em dại dột không tìm hiểu kỹ thói quen tiêu xài trước hôn nhân, còn khi đã cưới thì vợ em hoàn toàn không phải lo gì nhiều ngoài vài ba triệu tiền ăn 1 tháng. Vợ em lương lúc đầu là 15 triệu/tháng nhưng kêu mệt nên đã tìm công việc khác nhàn nhã hơn, lương giờ còn 7 triệu/tháng, trong khi đang nợ nần chồng chất.
Em đang rất bất lực, không biết phải làm sao khi tiền nợ nhà chưa trả hết mà còn thêm những khoản nợ riêng của vợ nữa. Bây giờ em mất niềm tin hoàn toàn vào vợ em rồi. Cảm giác mình sống cùng một người luôn tìm cách giấu diếm, lừa dối cả chồng lẫn bố mẹ 2 bên, nó thực sự ngột ngạt và giả tạo vô cùng... Chọn sai vợ là mất tất cả đúng không mọi người?" - Người chồng trải lòng.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người đồng cảm với trạng thái mất sạch niềm tin vào vợ mà anh chồng này đang phải chịu. 3 lần bị lừa dối với cùng 1 lý do, còn niềm tin được mới là chuyện lạ...

Ảnh minh họa
"Cuộc đời ai cũng có sai lầm nhưng sai 1 lần thôi thì thông cảm và tha thứ được. Chứ sai đến lần thứ 3 thì câu chuyện rất khác rồi. Chọn sai vợ không mất tất cả, biết là vợ sai nhưng vẫn không cương quyết thì mới mất tất cả bạn nhé. Mong bạn tỉnh táo, vững tâm và sớm vượt qua sai lầm này" - Một người chia sẻ.
"Chọn sai bạn đời thì không chỉ mình mình khổ, bố mẹ mình cũng khổ và con mình cũng khổ nữa. Vợ chồng bạn chưa có con thì mình thực sự thấy đó là điều may mắn trong hoàn cảnh này. Còn lại thì cũng không biết nên khuyên gì, chỉ có thể nói là nếu tiền mua nhà là bố mẹ bạn cho, tiền trả nợ vay là bạn trả thì đó chưa hẳn là tài sản chung trong hôn nhân đâu" - Một người khác phân tích.
"Đàn ông mới 30 tuổi thì làm lại vẫn kịp, không có gì là muộn. Tình trạng của bạn thì cũng không gọi là mất tất cả, có thể do đang áp lực quá nên nghĩ tiêu cực thôi. Các vấn đề về nợ trước hôn nhân hay tài sản chung trong hôn nhân mà bí quá không biết giải quyết sao thì nên thuê luật sư nhé. Chúc ông bạn vững tâm" - Một người động viên.
Rút được bài học gì từ tâm sự có phần đáng buồn của gia đình này?
Câu trả lời rất ngắn gọn: Trước khi về chung 1 nhà, đừng chỉ tập trung nhìn vào tình yêu hiện tại hay hành trình tương lai mà bỏ qua vấn đề thói quen chi tiêu, tình hình tài chính cá nhân của mình cũng như của đối phương.

Ảnh minh họa
Dưới đây là 4 vấn đề tài chính cần làm rõ càng sớm càng tốt nếu đã quyết định kết hôn.
1 - Mức thu nhập và các khoản nợ của mỗi người
Phải nhắc lại: Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát chỉ là chuyện khả thi khi chưa về chung một nhà. Chẳng ai muốn kết hôn xong lại phải đi gánh những khoản nợ mà bản thân mình chẳng phải người đi vay. Lúc ấy, bỏ thì thương, vương thì tội. Tựu trung là cả hai chẳng ai vui vẻ, hạnh phúc được.
Vì vậy, hãy thành thật với nhau về mức thu nhập hoặc các khoản nợ, không chỉ thể hiện sự tôn trọng dành cho đối phương, mà còn hạn chế nhiều cuộc xung đột không đáng có trong hôn nhân.
2 - Làm rõ trách nhiệm tài chính của từng người trong hôn nhân
Sau khi thành thật với nhau về mức thu nhập hiện tại cũng như các khoản nợ, có 4 câu hỏi mà các cặp đôi nên làm rõ:
- Ai là người quản lý tài chính trong gia đình?
- Tỷ lệ đóng góp của mỗi người cho các khoản chi phục vụ đời sống, khoản tích lũy, khoản tiết kiệm phục vụ các mục tiêu lớn (sinh con, mua nhà, mua xe,...)?
- Hàng tháng hoặc lễ Tết, sẽ biếu nhà nội - nhà ngoại bao nhiêu tiền? Số tiền này là cả hai vợ chồng cùng đóng góp và cùng lo, hay vợ lo nhà vợ, chồng lo nhà chồng?
- Mỗi người sẽ dành bao nhiêu % thu nhập để phục vụ sở thích cá nhân của mình?

Ảnh minh họa
Phải làm rõ được những vấn đề đó, việc quản lý tài chính trong hôn nhân, cũng như việc tích lũy tiền bạc để thực hiện các mục tiêu lớn trong tương lai, mới bớt phần trắc trở.
3 - Cùng nhau thử gánh vác trách nhiệm tài chính trước khi cưới
Bàn bạc, thống nhất là bước đầu. Sau đó, cả hai có cùng nhau thực hiện được đúng như những gì đã đề ra hay không lại là chuyện khác. Để giảm thiểu sai số trước khi "ván đã đóng thuyền", tốt nhất là nên cho nhau thời gian thử nghiệm trọng trách đóng góp, gánh vác tài chính.
Có thử mới biết kế hoạch đề ra, vai trò của từng người trong việc đóng góp, quản lý tài chính đã phù hợp hay chưa. Rồi từ đó, mới tìm được hướng xử lý, giải quyết.
4 - Thành thật về các thói quen chi tiêu chưa tốt của bản thân
Không có gì khó hơn việc thừa nhận "tôi đã sai", đặc biệt là với những người có cái tôi quá cao. Tuy nhiên, hãy nghĩ đơn giản rằng, chúng ta không có ai là hoàn hảo. Người giỏi kiếm tiền rất có thể cũng sẽ là người tiêu tiền như nước. Người giỏi tiết kiệm có thể sẽ có lúc hơi "khắc nghiệt" với bản thân khi nghĩ tới chuyện hưởng thụ cuộc sống.
Tất cả những điều đó đều rất bình thường. Vấn đề quan trọng chỉ là bạn có nhận ra cái chưa đúng của bản thân, để điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống gia đình hay không mà thôi.
Email: